Ukraine có nguy cơ hết đạn pháo trong một tháng tới
(Dân trí) - Báo Anh nhận định Ukraine có thể đối mặt với nguy cơ cạn kiệt đạn pháo trong một tháng tới khi Mỹ và các đồng minh chậm trễ viện trợ.
Trong một bài viết cho The Times, nhà báo Anh Max Hastings bày tỏ lo ngại về khả năng kho dự trữ đạn pháo của quân đội Ukraine sẽ cạn kiệt vào cuối tháng 2 năm nay.
Theo ông Hastings, điều này có thể xảy ra nếu đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ tiếp tục ngăn chặn việc phân bổ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nhà báo Anh cho biết, các nhà lãnh đạo Ukraine đang bối rối do thiếu sự rõ ràng về kế hoạch phải làm gì tiếp theo trong trường hợp không nhận được hỗ trợ từ Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng nếu không có sự hỗ trợ quân sự từ bên ngoài, bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ không có được một chiến lược đáng tin cậy.
Ông Hastings lưu ý rằng, hầu hết các nước Tây Âu đều muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine theo bất kỳ điều kiện nào do họ đã mệt mỏi với việc hỗ trợ Kiev và họ cũng có nhu cầu giải quyết các vấn đề nội bộ.
Theo một số nguồn tin, quân đội Ukraine đang cố gắng bù đắp "cơn khát đạn pháo" bằng cách sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV). Tuy nhiên, mặc dù máy bay không người lái có một số ưu điểm so với pháo về độ chính xác và tính linh hoạt, nhưng chúng không thể thay thế hoàn toàn đạn pháo do công suất phóng hỏa lực thấp hơn.
Cuộc xung đột tại Ukraine đang trở thành cuộc chiến tiêu hao và Nga đang đạt được lợi thế lớn nhờ duy trì năng lực quân sự vượt trội hơn đối phương, đặc biệt là đạn pháo.
Tình hình ngày càng trở nên khó khăn đối với binh lính Ukraine trong bối cảnh họ bị Nga áp đảo về cả nhân lực lẫn tiềm lực vũ khí.
Thiếu đạn dược không chỉ khiến Ukraine khó có thể tổ chức thêm một cuộc phản công nữa trong tương lai, mà thậm chí còn khiến Kiev rơi vào nguy cơ mất thêm lãnh thổ vào tay Nga khi Moscow đang tăng cường tấn công trên toàn tuyến.
Mùa hè năm ngoái, Ukraine đã bắn tới 7.000 quả đạn mỗi ngày, so với 5.000 quả đạn pháo của phía Nga. Nhưng hiện tại, những con số đó dường như đã thay đổi đáng kể.
Ukraine chỉ bắn 2.000 quả đạn mỗi ngày và Nga bắn gần 10.000 quả đạn. Nga vẫn đang duy trì và tăng cường năng lực sản xuất vũ khí nhưng Ukraine đã có dấu hiệu "hụt hơi" rõ rệt.
Ukraine đang đối diện với tình thế bất định khi các đề xuất viện trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa được thông qua do các bất đồng nội bộ.
Các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định nếu không có thêm tiền viện trợ, Washington không thể trang bị cho Kiev vũ khí ở mức độ và tốc độ như họ đã làm kể từ những ngày đầu chiến sự.
Các quan chức Mỹ và Ukraine cảnh báo tác động của việc cạn kiệt viện trợ là cực kỳ nghiêm trọng. Một số người nói rằng Ukraine sẽ thua nếu không tiếp tục được hỗ trợ.
Trong bối cảnh khó khăn, Ukraine cũng đang nỗ lực tăng cường sản xuất đạn pháo để giảm phụ thuộc vào phương Tây, nhưng xét về năng lực và công suất, Nga đang chiếm ưu thế rõ rệt.