1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga giải thích lý do tính hủy phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cáo buộc Mỹ là lý do khiến nước này tính hủy phê chuẩn hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân.

Nga giải thích lý do tính hủy phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân - 1

Một tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga (Ảnh: TASS).

Reuters đưa tin, ông Volodin ngày 17/10 nói rằng Nga đang trong quá trình hủy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vì Moscow cáo buộc Mỹ "có thái độ vô trách nhiệm đối với an ninh toàn cầu".

Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/10 cho biết ông chưa quyết định liệu Nga có nên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hay không sau khi một số chuyên gia an ninh và nhà lập pháp của Moscow kêu gọi thử bom hạt nhân như một lời cảnh báo đối với phương Tây.

Ông Volodin cho biết: "Vì lợi ích đảm bảo an ninh của Nga, chúng tôi đang rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện".

Ông cho rằng dù Nga đã tham gia hiệp ước trên vào năm 1996 và phê chuẩn vào năm 2000 nhưng Washington tới nay vẫn chưa phê chuẩn, đó là "thái độ vô trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh toàn cầu".

Ông Volodin nói: "Liên bang Nga sẽ làm mọi thứ để bảo vệ công dân của mình và duy trì sự bình đẳng chiến lược toàn cầu".

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1996 nhưng tới nay chưa có hiệu lực vì 8 quốc gia chưa ký tham gia hoặc phê chuẩn hiệp ước, bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Iran, Israel, Mỹ, Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan.

Theo ông Volodin, dù Nga trong quá trình hủy phê chuẩn hiệp ước, Moscow vẫn là một bên tham gia và sẽ tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) cùng hệ thống giám sát toàn cầu.

Các quan chức Nga nói rằng việc hủy bỏ phê chuẩn hiệp ước không có nghĩa là Nga sẽ nối lại thử bom hạt nhân và động thái đó chỉ đơn giản là để phù hợp với quan điểm của Mỹ. Mặc dù vậy, các chuyên gia kiểm soát vũ khí lo ngại Nga có thể tiến tới việc nối lại thử nghiệm hạt nhân.

Nước Nga thời hậu Xô Viết chưa bao giờ tiến hành thử hạt nhân. Liên Xô thử nghiệm lần cuối vào năm 1990 và Mỹ vào năm 1992

Theo Liên hợp quốc, từ năm 1945 đến 1996, hơn 2.000 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện, trong đó có 1.032 vụ do Mỹ thực hiện và 715 vụ do Liên Xô thực hiện.

Các chuyên gia cảnh báo việc những cường quốc quân sự nối lại thử hạt nhân có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các nước lớn. Họ cảnh báo điều này có thể mang lại mối đe dọa cho nhân loại.

Theo Reuters