Nga đưa ra "tối hậu thư" cho Ukraine
(Dân trí) - Quan chức Nga đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với Ukraine khi Kiev đang mở chiến dịch phản công trên các mặt trận.
"Khi nói về cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các quan chức phương Tây khác đã bắt đầu gọi đây là "một cuộc chiến tiêu hao". Họ đã đầu tư số tiền khổng lồ vào việc quân sự hóa Kiev. Sự thật đơn giản là: phương Tây đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược, người dân ở châu Âu và Mỹ mất niềm tin vào các chính trị gia, và cuộc phản công của chính quyền Kiev đã thất bại", hãng tin Tass dẫn lời ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, tuyên bố hôm 25/9.
Theo ông Volodin, kết quả của "cuộc chiến tiêu hao" còn bao gồm các vấn đề về kinh tế ở châu Âu và Mỹ, tình trạng thiếu nhân lực cho lực lượng vũ trang Ukraine, và cuối cùng là vấn đề phá sản và nhân khẩu học đối với Ukraine.
Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công từ tháng 6, tuy nhiên tốc độ phản công không như kỳ vọng. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ukraine đã gánh chịu tổn thất nặng nề trong đợt phản công này, bao gồm hơn 71.000 quân, 543 xe tăng và gần 18.000 xe bọc thép.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho biết "số phận" của Ukraine là chấp thuận theo các điều kiện của Nga hoặc không còn tồn tại.
"Những sự thật này đã nói lên rằng: Ukraine sẽ không còn tồn tại như một nhà nước trừ khi chính quyền Kiev đầu hàng theo các điều khoản của Nga", ông Volodin nói thêm.
"Hơn 10,5 triệu người đã rời khỏi Ukraine. 11,2 triệu người khác ở Crimea, Sevastopol, Donetsk và Lugansk cũng như các vùng Zaporizhia và Kherson đã quyết định gia nhập Nga. Ukraine đã mất 53,7% dân số kể từ năm 2014", ông Volodin cho biết.
Ông Volodin lưu ý rằng, vào tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố các nước phương Tây đã cạn kiệt kho dự trữ những loại vũ khí mà họ có thể gửi tới Kiev. Trong khi đó, Tổng thống Biden thừa nhận vào tháng 7 rằng, quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine được thúc đẩy bởi thực tế rằng kho đạn thông thường đã cạn kiệt.
"Tỷ lệ ủng hộ các nhà lãnh đạo EU và Mỹ đã đạt mức thấp lịch sử. Tỷ lệ người dân không tán thành hoạt động của các nhà lãnh đạo của họ là 57% đối với Tổng thống Biden, 69% đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và 72% đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Phần lớn người dân ở Mỹ và các nước châu Âu phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine", quan chức Nga nói thêm.
Ngoài ra, ông Volodin nhấn mạnh quân đội Ukraine được NATO hậu thuẫn đã phải chịu tổn thất lớn về quân số và trang thiết bị, trong khi "việc thiếu bước tiến (của Ukraine) đã khiến các nhà tài trợ phương Tây thất vọng".
"Nền kinh tế của các nước thuộc khu vực đồng Euro đang trải qua thời kỳ suy thoái. Chi phí dành cho việc quân sự hóa Ukraine đã buộc Đức phải cắt giảm trợ cấp cho các gia đình nghèo. Pháp đã giảm số lượng người được hưởng lợi, người dân có hoàn cảnh khó khăn không còn nhận được gói thực phẩm và tiền hoàn trả chi phí thuốc men. Các cơ quan quốc tế đã hạ xếp hạng đầu tư dài hạn của Mỹ vì họ cho rằng tình hình tài chính ở nước này sẽ xấu đi trong ba năm tới", ông Volodin cho biết.
Trước đó, phát biểu tại họp báo bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và một số quốc gia khác cung cấp ngày càng nhiều vũ khí cho Ukraine, các vệ tinh quân sự và máy bay trinh sát của những nước đó cũng được sử dụng để chống lại Nga.
Ông Lavrov nhấn mạnh, nếu Kiev và các đồng minh phương Tây một mực giữ quan điểm của mình, cuộc xung đột sẽ được giải quyết trên chiến trường. Theo nhà ngoại giao Nga, phương Tây đã ngăn cản Kiev đàm phán với Moscow.