1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu thời điểm Ukraine có thể đàm phán hòa bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cho rằng nếu Ukraine càng trì hoãn đàm phán với Moscow, việc đạt được thỏa thuận sau này càng khó khăn.

Nga nêu thời điểm Ukraine có thể đàm phán hòa bình - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/9 cho biết Ukraine có thể bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình khi cạn kiệt nguồn lực.

"Tôi có ấn tượng rằng họ (Ukraine) muốn nỗ lực hết sức có thể. Sau đó, khi nguồn lực của họ gần bằng 0, họ sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán để bổ sung nguồn lực và khôi phục khả năng chiến đấu", ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF).

Tổng thống Putin cho biết, nhiều bên hòa giải đã hỏi ông liệu Nga có sẵn sàng ngừng chiến sự hay không và ông nói rằng, Nga khó có thể ngừng chiến sự khi đối mặt với cuộc phản công của Ukraine.

Ông Putin cho biết, để có bất kỳ cơ hội đàm phán nào, Ukraine trước tiên phải hủy bỏ lệnh cấm đàm phán do nước này tự đặt ra và giải thích những gì họ mong muốn.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nếu Ukraine càng trì hoãn đàm phán với Moscow, việc đạt được thỏa thuận sau này càng khó khăn.

"Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nói rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ các cuộc đàm phán, nhưng những người (ở Ukraine) né tránh đàm phán nên hiểu rằng, họ càng trì hoãn thì càng khó đạt được thỏa thuận sau này", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trên kênh truyền hình Rossiya-1.

"Đây là quan điểm chính thức của chúng tôi. Tôi nhắc lại một lần nữa, dựa trên lệnh cấm đàm phán do (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky đã ký, rằng quan điểm này không nên bị hoài nghi", ông Lavrov nói thêm.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, bước đầu tiên trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine phải là hủy bỏ sắc lệnh cấm đối thoại với Moscow do Tổng thống Zelensky ký. Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng nếu các cuộc đàm phán Nga - Ukraine bắt đầu, Mỹ sẽ ủng hộ, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã biết thông tin này.

"Tôi đã đọc tuyên bố. Thực sự kỳ lạ. Ít nhất một năm trước, hoặc thậm chí sớm hơn, tôi không thể nhớ rõ, ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với chính phủ của (Tổng thống Nga) Vladimir Putin. Cả thế giới đều biết về điều đó. Nếu những người đứng sau chính quyền (Ukraine) đã quyết định rằng Ukraine nên sẵn sàng đàm phán, thì có lẽ bước đầu tiên cần phải làm là họ phải bày tỏ thiện chí hoặc ra lệnh hủy bỏ sắc lệnh này, sắc lệnh mà tôi nhắc lại là cấm đàm phán (với Nga)", ông Lavrov nói bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF).

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng nếu Nga đề nghị đàm phán trước, Ukraine sẽ là bên đầu tiên tham gia đàm phán và Mỹ sẽ đứng sau Kiev.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuần trước tuyên bố cuộc xung đột "không thể kết thúc chỉ bằng cách đơn giản là đưa các bên tham chiến vào bàn đàm phán".  

"Cần phải giành chiến thắng trên chiến trường để Nga trở nên nghiêm túc trong việc đàm phán hòa bình", ông Kuleba nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky năm ngoái đã ban hành sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Ông Zelensky cũng nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye và Crimea, các vùng lãnh thổ tuyên bố sáp nhập vào Nga, bằng vũ lực.

Nga khẳng định sẵn sàng giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột, nhưng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải tính đến "thực tế lãnh thổ mới". Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine phải công nhận 4 vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga thuộc chủ quyền của Nga.

Trong khi đó, Kiev nhiều lần tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.

Theo Tass, CNN