1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đổi lời về Syria, hồi kết càng khó đoán

Quân chính phủ Assad vẫn tiếp tục tấn công giành các thắng lợi trên các chiến trường trong khi hồi kết về Syria vẫn chưa thể đoán được.

Nga tiếp sức đồng minh chiến đấu

Trong thời gian thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria giữa các bên, Nga vẫn đang tích cực tiếp sức quân chính phủ Assad tiến hành các hoạt động không kích nhằm vào phiến quân IS.

Ngày 10/3, hãng thông tấn Farsnews của Iran đưa tin, dưới sự yểm trợ của Nga, quân đội Syria và các đơn vị đồng minh đã khôi phục hoàn toàn an ninh trên phần còn lại của tuyến đường chiến lược Khanasser-Aleppo-Ithriya ở tỉnh miền bắc Aleppo.

“Các binh sĩ Syria tái chiếm một tuyến đường hầm tiếp tế của tổ chức khủng bố IS tại Aleppo. Đường hầm này có thể dẫn phiến quân tới các căn cứ và trại tập trung của quân đội Syria ở vùng Jamiyeh al-Zahra, Dawar al-Maliyeh”, nguồn tin cho hay.

Cũng trong ngày 10/3, các lực lượng chính phủ Syria và quân tình nguyện đã giành lại 5 ngôi làng ở gần thị trấn Khanasser ở phía bắc tỉnh này, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tay súng khủng bố IS, đồng thời phá hủy nhiều xe cộ và phương tiện quân sự của chúng.

Quân chính phủ Syria giành thắng lợi trên nhiều chiến trường.
Quân chính phủ Syria giành thắng lợi trên nhiều chiến trường.

Trước đó, ngày 8/3, Mặt trận al-Nusra, một tổ chức liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda, và tổ chức khủng bố Jund al-Aqsa thừa nhận rằng ít nhất 26 chiến binh của chúng bỏ mạng hoặc bị thương sau những cuộc tấn công thất bại nhằm vào các căn cứ của lực lượng chính phủ Damascus tại Tal al-Eiss, Aleppo. Nhiều trang thiết bị quân sự của nhóm khủng bố cũng bị phá huỷ.

Bằng những cuộc tấn công dồn dập, quân đội Syria đã giải phóng 8 ngôi làng ở phía nam tỉnh Aleppo và tiếp tục tiến về các khu vực đang bị nhóm IS kiểm soát.

Theo dõi tình hình chiến trường Syria, dễ dàng nhận thấy rằng từ tháng 2/2016, được sự giúp sức và cổ vũ mạnh mẽ của không quân Nga, quân đội và các lực lượng đồng minh đã triển khai một chiến dịch lớn nhằm đẩy lùi các nhóm khủng bố đang bao vây tuyến đường cung cấp chính của quân chính phủ từ Hama tới Aleppo. Vòng vây Aleppo đang dần khép lại khiến tinh thần IS ngày càng nao núng, hoảng loạn.

Hồi kết Syria khó đoán

Trong khi quân chính phủ Assad đang giành nhiều ưu thế trên chiến trường, nhưng trên mặt trận đàm phán giữa các bên một giải pháp cuối cùng cho tình hình Syrira vẫn chưa ngã ngũ.

Ngày 11/3, trả lời báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov Điện Kremlin tuyên bố việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria mang ý nghĩa sống còn với Nga. Đây có thể là "nền móng" cho nhiều quốc gia và là một ưu tiên của Moskva.

Theo ông Peskov, Nga hy vọng tất cả các phái đoàn liên quan sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Syria tại Geneve vào tuần sau.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cần đưa ra quyết định cho phép người sắc tộc Kurd ở Syria tham gia hòa đàm.

Ông Lavrov cho rằng tiến hành đàm phán hòa bình mà không có sự tham gia của người Kurd sẽ "thể hiện sự yếu đuối" của cộng đồng quốc tế.

Trước đó, ngày 29/2, trong một cuộc họp, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã gợi ý rằng, Syria có thể trở thành một quốc gia liên bang trong tương lai.

“Dù không ở vị trí có thể đánh giá triển vọng về việc thiết lập một nhà nước liên bang ở Syria khi mà tiến trình định hình tương lai của Syria còn chưa bắt đầu, nhưng tôi cho rằng, nếu kết quả của các cuộc đối thoại, tham vấn và tranh luận về tương lai của Syria khiến các bên đi đến kết luận chung rằng mô hình liên bang là cần thiết để đảm bảo sự đoàn kết, bền vững, độc lập và tự chủ của Syria, thì ai có thể phản đối được điều đó?”, ông Sergei Ryabkov nhấn mạnh.

Hồi kết Syria khó đoán, nó phụ thuộc vào lợi ích giữa các bên trên chiến trường.
Hồi kết Syria khó đoán, nó phụ thuộc vào lợi ích giữa các bên trên chiến trường.

Giải pháp mà Moskva đưa ra ban đầu đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ bản thân Syria và nước đồng minh truyền thống là Iran. Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định rằng chính phủ nước này sẽ không ủng hộ ý tưởng biến Syria thành một nhà nước liên bang do điện Kremlin đề xuất.

"Iran tôn trọng thống nhất, toàn vẹn, và quyền được kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước của chính phủ Syria" - ông Rouhani nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp trên chiến trường đã khiến nhiều nước phương Tây từ phản đối đã thay đổi lập trường về việc liên bang hóa Syria.

Truyền thông Mỹ mới đây dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay, các cường quốc lớn tham gia các cuộc đàm phán hòa bình Syria do LHQ làm trung gian đang thảo luận về khả năng liên bang hóa đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Một nhà ngoại giao giấu tên tại Hội đồng Bảo an LHQ cho biết, không chỉ có Nga, một số cường quốc phương Tây lớn cũng đã cân nhắc khả năng thiết lập một thể chế liên bang cho Syria và đã chuyển ý tưởng này đến đặc phái viên Liên Hợp Quốc de Mistura.

Nhà ngoại giao này không đưa ra chi tiết nào về các mô hình liên bang có thể được áp dụng đối với Syria. Một nhà ngoại giao khác của Hội đồng Bảo an LHQ cũng xác nhận những tuyên bố trên.

Trong khi đó, cả Nga và Mỹ cũng đang có những dấu hiệu hòa dịu với nhau, đặc biệt trong vấn đề Syria khi cả hai bên thường xuyên giữ vai trò trung tâm trong việc đàm phán, thảo luận cũng như kêu gọi các bên duy trì lệnh ngừng bắn tạm thời tại Damascus.

Thậm chí Nhà Trắng cũng đã loại trừ khả năng về một giải pháp quân sự nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria trong bối cảnh nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đang lăm le triển khai quân và có những hoạt động gây hấn tại đây.

Thực tế dù Moskva đã tuyên bố duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria tuy nhiên cục diện cuối cùng vẫn rất khó đoán. Sẽ không có gì đảm bảo cho tương lai của đồng minh khi quyền lợi và ảnh hưởng của Nga bị đe dọa. Một giải pháp hòa bình tích cực, một thỏa thuận về cơ cấu mới cho Syria chỉ được thực hiện nếu như Nga và phương Tây cùng gặp nhau về lợi ích.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt