1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Không dễ liên bang hóa Syria

Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm đang khiến lãnh thổ Syria bị “chia năm xẻ bảy”.

Tuần tới, cuộc nội chiến Syria sẽ bước vào năm thứ 6 giữa lúc có những hy vọng mong manh rằng thỏa thuận ngừng bắn đang được thực thi sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc.

Rào cản lớn

Giới phân tích nhận định 12 tháng qua chứng kiến một số sự kiện tác động mạnh mẽ đến cuộc xung đột nổ ra từ ngày 15-3-2011 này. Hành động can thiệp quân sự của Nga vào Syria, cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng ở châu Âu và hiểm họa càng tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao.

Cuộc nội chiến Syria kéo dài gần 5 năm qua đã buộc 11 triệu người rời bỏ nhà cửa.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài gần 5 năm qua đã buộc 11 triệu người rời bỏ nhà cửa.

Theo hãng tin Reuters hôm 10-3, một trong những ý tưởng đang được các cường quốc bàn đến là liên bang hóa Syria, theo đó trao thêm quyền tự trị cho chính quyền các địa phương. Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc (LHQ) giấu tên tiết lộ ý tưởng này không chỉ nhận được sự quan tâm của Nga mà còn một số cường quốc phương Tây trước khi vòng đàm phán mới nhất dự kiến diễn ra tại Geneva - Thụy Sĩ từ ngày 14 đến 24-3.

Tuy nhiên, cả phe đối lập lẫn chính phủ Syria vẫn chưa lên tiếng xác nhận có tham gia sự kiện do LHQ làm trung gian này hay không.

Giao tranh ở Syria đã giảm đáng kể từ khi thỏa thuận “tạm dừng các hoạt động thù địch” được thực thi hôm 27-2. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói về triển vọng đạt được một lệnh ngừng bắn hoàn chỉnh, nói gì đến thỏa thuận hòa bình sâu rộng.

Một trong những rào cản lớn là sự chia rẽ giữa các bên liên quan về hướng đi sắp tới của Syria: Mỹ - Nga tranh cãi về tương lai Tổng thống Syria Bashar al-Assad; Ả Rập Saudi - Iran đang đối đầu trong một cuộc xung đột địa chính trị, tôn giáo tại khu vực, với Syria là một trong những chiến trường chính; Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất đồng về một loạt vấn đề chiến lược…

Vì thế, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế xem xét nghiêm túc ý tưởng phân chia Syria, nhất là khi khả năng duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này ngày càng thấp.

Nhiều rủi ro, phức tạp

Một số nhà quan sát đã có những hình dung ban đầu về diện mạo của một Syria trong trường hợp bị phân chia. Khi đó, một khu vực bao quanh thủ đô Damascus sẽ do chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, người thuộc bộ tộc Alawite hoặc những nhà lãnh đạo kế nhiệm ông điều hành. Khu vực miền Trung sẽ do người Sunni ôn hòa quản lý một khi trấn áp được IS và các nhóm có liên hệ với al-Qaeda. Cuối cùng, và gây tranh cãi nhất, là một khu vực của người Kurd ở miền Đông.

Rõ ràng, ý tưởng phân chia này có thể dẫn đến những kịch bản khác nhau, từ sự tan rã hoàn toàn (như những gì xảy ra với Liên bang Nam Tư sau khi Tổng thống Josip Tito qua đời) cho đến một mô hình liên bang lỏng lẻo như Iraq.

Foreign Policy thừa nhận kế hoạch liên bang hóa Syria ẩn chứa nhiều rủi ro, phức tạp và không dễ thực thi nhưng vẫn đáng được đặt lên bàn đàm phán tại Geneve. Dù gì thì cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua không chỉ làm 250.000 người thiệt mạng, buộc 11 triệu người rời bỏ nhà cửa mà còn khiến lãnh thổ Syria bị “chia năm xẻ bảy” trên thực tế.

Bản thân ông Assad hồi tháng 9-2015 không loại trừ ý tưởng liên bang hóa nhưng nhấn mạnh bất kỳ thay đổi nào cũng phải là kết quả đối thoại giữa người dân Syria và một cuộc trưng cầu dân ý về những thay đổi hiến pháp cần thiết.

Trong khi đó, ông Saleh Muslim, đồng chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd tại Syria (PYD), cũng để ngỏ khả năng tán thành ý tưởng này. Trái lại, phe đối lập Syria được sự hậu thuẫn của Ả Rập Saudi lại bác bỏ gợi ý của Nga, theo đó các cuộc hòa đàm sắp tới có thể nhất trí về một cấu trúc liên bang cho đất nước.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động