1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga dọa bắn rơi vệ tinh phương Tây

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow có thể bắn rơi các vệ tinh thương mại của phương Tây nếu chúng được sử dụng để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Nga dọa bắn rơi vệ tinh phương Tây - 1

Tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh Starlink vào quỹ đạo hồi tháng 7/2022 (Ảnh: AFP).

Hãng tin TASS dẫn lời ông Vladimir Ermakov, người đứng đầu Vụ Kiểm soát và Chống phổ biến Vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ngày 16/10 cảnh báo các vệ tinh thương mại của phương Tây có thể trở thành "mục tiêu chính đáng" cho các cuộc tấn công trả đũa của Nga.

 "Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế quan tâm đến xu hướng nguy hiểm này, xu hướng vượt ra ngoài việc khai thác vô hại công nghệ vũ trụ. Minh chứng rõ ràng nhất là những gì xảy ra ở Ukraine", ông Ermakov nói.

Nhà ngoại giao Nga cáo buộc: "Rõ ràng, Mỹ và các đồng minh không nhận thức được đầy đủ những hành động như vậy thực sự bị coi là gián tiếp tham gia vào các cuộc xung đột".

Ông Ermakov không nêu cụ thể liệu doanh nghiệp nào của phương Tây hỗ trợ Ukraine  về công nghệ vệ tinh trong cuộc xung đột hiện nay.

Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Konstantin Vorontsov, Vụ phó Vụ Kiểm soát và Chống phổ biến Vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

Ông Vorontsov nói rằng việc sử dụng các hạ tầng vũ trụ thương mại cho mục đích quân sự của các tổ chức phương Tây là "xu hướng cực kỳ nguy hiểm".

"Các nước này không nhận thức được rằng những hành động như vậy thực tế bị coi là gián tiếp tham gia xung đột. Các hạ tầng bán dân sự có thể trở thành mục tiêu đáp trả chính đáng", ông nhấn mạnh.

Ở giai đoạn đầu xung đột Nga - Ukraine, tập đoàn SpaceX của tỷ phú Mỹ ELon Musk đã hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp dịch vụ kết nối qua vệ tinh Starlink. Các đơn vị vận hành vệ tinh, trong đó có Maxar và Planet Labs, cũng có hợp đồng cung cấp dịch vụ cho nhiều cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ.

Đến nay, SpaceX đã đầu tư mạng lưới gần 4.000 vệ tinh. Tỷ phú Musk cho biết, hệ thống internet vệ tinh Starlink cung cấp cho Ukraine "lợi thế lớn trên chiến trường". Binh sĩ Ukraine sử dụng Starlink để phục vụ hoạt động liên lạc trên chiến trường trong bối cảnh hạ tầng viễn thông của họ bị phá hủy do chiến sự.

Tuy nhiên, SpaceX cũng khẳng định họ buộc Ukraine phải cam kết không sử dụng hệ thống Starlink để vận hành máy bay không người lái (UAV) trong khu vực. Gwynne Shotwell, một lãnh đạo cấp cao của SpaceX, nêu rõ công ty này không bao giờ cho phép "vũ khí hóa" thiết bị, dịch vụ của họ.

Tỷ phú Musk mới đây thừa nhận đã từ chối đề nghị của Ukraine sử dụng Starlink để thực hiện một vụ tập kích UAV vào hạ tầng của Nga ở bán đảo Crimea, trong đó có Hạm đội Biển Đen. Ông cho biết, quyết định này nhằm tránh nguy cơ xung đột leo thang.

"Chính phủ Ukraine đã đưa ra một đề nghị khẩn cấp nhằm kích hoạt Starlink ở khu vực trải dài đến Sevastopol (Crimea). Rõ ràng họ có ý định đánh chìm hầu hết hạm đội của Nga. Nếu tôi đáp ứng đề nghị của họ, SpaceX sẽ bị coi là tiếp tay cho một hành động leo thang căng thẳng", Musk viết trên Twitter hồi đầu tháng 9.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm