1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga đáp trả "tối hậu thư" của Mỹ về Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin đã yêu cầu Mỹ làm rõ sau khi Phó Tổng thống J.D. Vance đề xuất đưa quân tới Ukraine nếu Moscow không thiện chí đàm phán.

Nga đáp trả tối hậu thư của Mỹ về Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Đây là những yếu tố mới trong lập trường của Mỹ và chúng tôi chưa từng nghe những tuyên bố như vậy trước đây", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 14/2.

"Trong các cuộc tiếp xúc sắp tới với chính quyền Mỹ, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được lời giải thích rõ hơn", ông nói thêm.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 13/2 tuyên bố các cuộc đàm phán về giải quyết xung đột Ukraine có thể dẫn đến một thỏa thuận khiến nhiều người bị "sốc".

Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ trong một cuộc phỏng vấn nói rằng, Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow và có khả năng sẽ thực hiện hành động quân sự nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đồng tình với một thỏa thuận hòa bình nhằm đảm bảo nền độc lập lâu dài cho Ukraine.

Theo WSJ, ông Vance cho biết phương án gửi quân đội Mỹ đến Ukraine, nếu Moscow không đàm phán một cách thiện chí, vẫn "được đưa ra thảo luận".

"Chúng tôi có những công cụ kinh tế và tất nhiên có cả những công cụ quân sự để tạo đòn bẩy mà Mỹ có thể sử dụng đối với Nga", Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo.

Ông Vance cho biết, chính quyền Tổng thống Trump sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Putin rằng Nga sẽ thu được nhiều lợi ích trên bàn đàm phán hơn là trên chiến trường.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Tổng thống Trump có thể thay đổi quyết định tùy thuộc vào diễn biến của cuộc đàm phán.

Tổng thống Donald Trump tuần này đã có các cuộc điện đàm song phương với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Ông Trump cho biết các cuộc điện đàm diễn ra "rất tích cực", đồng thời khẳng định cả lãnh đạo Nga và Ukraine đều sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột.

Ông Trump khẳng định sẽ không loại trừ khả năng thắt chặt các lệnh trừng phạt Nga, trừ khi Moscow đồng ý đàm phán để giải quyết vấn đề ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã đưa ra các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine, bao gồm việc Ukraine rút quân khỏi Donbass và Novorossiya, đồng thời từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.

Khả năng Mỹ cấp vũ khí hạt nhân

Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết quyết định cuối cùng về việc Mỹ có cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine hay không tùy thuộc vào Tổng thống Donald Trump. Ông nói rằng khả năng này vẫn có thể xảy ra.

"Tôi không phải là người tuyên bố lằn ranh đỏ. Tôi làm việc với tổng thống khi chúng tôi giải quyết những vấn đề này. Cuối cùng, Tổng thống Trump là người duy nhất quyết định xem có động thái nào không", ông Hegseth nói thêm.

Hôm 4/2, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi phương Tây cấp vũ khí hạt nhân cho nước này nếu Ukraine không có được tư cách thành viên NATO.

Ông lập luận, nếu quá trình gia nhập NATO kéo dài trong nhiều năm hay nhiều thập niên thì câu hỏi chính đáng được đặt ra là điều gì sẽ bảo vệ Ukraine.

Những tháng gần đây, ông Zelensky có xu hướng đề cập nhiều hơn đến kịch bản sở hữu trở lại vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Zelensky nhấn mạnh, Ukraine cần tư cách thành viên NATO hoặc vũ khí hạt nhân để đảm bảo sự tồn tại.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Ukraine không thể tồn tại nếu không có viện trợ của phương Tây. Ông cũng cảnh báo nếu phương Tây chuyển vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Nga sẽ đáp trả bằng tất cả vũ khí sẵn có.

Theo RT