1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga có thể cấp tị nạn cho cựu nhân viên CIA tố giác chính phủ Mỹ

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết có thể trao quy chế tị nạn chính trị cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người đã tiết lộ những bí mật động trời làm chao đảo chính trường Mỹ trong nhiều ngày qua.

Báo chí thế giới sôi sục trước sự biến mất đột ngột của Snowden.
Báo chí thế giới sôi sục trước sự biến mất đột ngột của Snowden.
 

"Nếu nhận được đề nghị như vậy, chúng tôi sẽ xem xét", nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga dẫn lời người phát ngôn điện Kremli Dmitry Peskov nói.

Ông Peskov ám chỉ tới cựu nhân viên Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, người hồi tuần trước đã cung cấp cho tờ The Guardian của Anh những chi tiết về chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ gây chấn động dư luận. 

Snowden cho biết mục đích tố giác nhằm để mọi người dân Mỹ tường tỏ về cách thức chính phủ Mỹ thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu người sử dụng Internet và điện thoại theo cái gọi là Đạo luật Patriot năm 2001, hành động bị Snowden cho rằng đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do công dân và tự do Internet. 

Tuy nhiên, hiện chưa biết người đàn ông 29 tuổi này đang ẩn náu tại đâu, sau khi đột ngột "biến mất" khỏi một khách sạn ở Hong Kong hôm 10/6. Theo sổ lưu trú của khách sạn, Snowden đã thuê phòng tại đây từ ngày 20/5 và vừa làm thủ tục trả phòng hôm 10/6. 

Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin đã nhận được phản ứng trái chiều từ giới chức và một nhà báo kỳ cựu của Nga.

"Mỹ sẽ tức giận trước quyết định này của Nga”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc tế của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Alexei Pushkov cảnh báo. 

Trong khi đó, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga, ông Igor Korrotchenko, lại cho rằng đây là quyết định sáng suốt của Nga.

"Là quốc gia có chủ quyền, Nga có quyền trao quy chế tị nạn cho bất cứ ai nếu xét thấy điều đó là đúng", ông Korotchenko nói với phóng viên hãng Xinhua. 

Theo lý giải của nhà báo kỳ cựu này, trong trường hợp đặc biệt của Snowden, đề nghị của Moscow nên được hiểu theo nghĩa Nga muốn bảo vệ một con người dũng cảm dám hành động vì lợi ích của cộng đồng quốc tế. 

Ông lưu ý thêm rằng cách thức tố giác của Snowden cho thấy con người này không phải là gián điệp hay kẻ phản bội, vì anh ta không bán bí mật quốc gia mà chỉ hành động vì quyền lợi của người dân.

"Những thông tin mà anh ta công bố có ý nghĩa rất quan trọng đối với bất kỳ ai, bất kể người đó mang quốc tịch nào", ông Igor Korotchenko khẳng định.

Cũng theo Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga, cho dù Snowden có xuất hiện tại Nga thì điều đó cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Mỹ trước thềm cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ở Bắc Ailen bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tuần tới. 

Trước đó, ngày 9/6, Snowden đã bất ngờ công khai danh tính sau khi tiết lộ chương trình giám sát Internet trong khuôn khổ dự án PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Snowden từng là trợ lý kỹ thuật của CIA và làm việc 4 năm tại NSA với tư cách nhân viên của hai nhà thầu quốc phòng Dell và Booz Allen Hamilton. Kỹ thuật viên này đã lên kế hoạch tố giasc chính phủ Mỹ cách đây 3 tuần và chủ động xin nghỉ phép sau khi sao chép các tài liệu mật tại văn phòng NSA ở Hawaii. Sau đó, Snowden tới Hong Kong ngày 20/5 và lưu trú tại đây cho tới ngày 10/6. 

Mai Hương 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm