1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân cao nhất hàng thập niên

Thành Đạt

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân đang ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua.

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân cao nhất hàng thập niên - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov (Ảnh: Tass).

"Tôi không muốn đi sâu thảo luận về việc liệu khả năng xảy ra xung đột hạt nhân hiện nay có cao hay không, nhưng trong mọi trường hợp, khả năng này hiện ở mức cao nhất trong vài thập niên qua, hãy hiểu như vậy", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov phát biểu tại sự kiện về Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) hôm 22/3.

Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng Nga không tách rời "các điều khoản chính, các điều khoản về học thuyết và chính trị", trong đó khẳng định cam kết của Nga về việc thế giới phải an toàn và không có mối đe dọa hạt nhân.

"Tuy nhiên, các quốc gia phi hạt nhân, đặc biệt là những quốc gia không liên kết với các nhóm do Mỹ lãnh đạo và không có xu hướng đồng ý với Washington về mọi vấn đề, có thể khẳng định lập trường của mình một cách rõ ràng hơn để kêu gọi các chính trị gia ở các nước phương Tây, bao gồm Washington, những người đã hoàn toàn không nhận thức được thực tế", ông Ryabkov nói thêm.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân đã gia tăng và việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang khiến "ngày tận thế hạt nhân" đến gần hơn.

"Mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân đã qua chưa? Chưa, nó chưa qua. Thay vào đó, mối đe dọa này lại tăng lên. Mỗi ngày khi vũ khí nước ngoài được chuyển giao cho Ukraine, rốt cuộc lại kéo ngày tận thế hạt nhân đó đến gần hơn", ông Medvedev nhận định.

"Tôi có cảm giác rằng đến một thời điểm nhất định, họ không còn tin và không thấy mức độ quyết tâm của Nga, hoặc quyết tâm của tổng thống hoặc tổng tư lệnh tối cao (Nga), về những gì chúng tôi đã làm. Và họ đã tính toán sai. Hậu quả phức tạp hơn nhiều so với những gì có thể xảy ra nếu họ ký một văn bản với chúng tôi vào tháng 12", ông Medvedev cho biết thêm.

Ông Medvedev được cho là đang đề cập đến thỏa thuận do Nga đề xuất vào tháng 12/2021 về việc "không mở rộng NATO" và "đẩy lùi" biên giới của liên minh quân sự này về bối cảnh năm 1997.

Nga đã tạm ngừng tham gia START Mới, hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ, vì cáo buộc Washington sử dụng hiệp ước này để giúp Ukraine tấn công các địa điểm chiến lược của Nga. Hiệp ước này có hiệu lực từ năm 2011, trong đó quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Nga nhiều lần khẳng định họ không rút khỏi START Mới, nhưng tuyên bố sẽ nối lại thảo luận về hiệp ước khi thỏa thuận xét đến cả năng lực hạt nhân của Anh và Pháp - các đồng minh của Mỹ trong NATO.

Việc Moscow tạm ngừng tham gia Hiệp ước START Mới giữa lúc xung đột ở Ukraine leo thang làm dấy lên lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các quan chức Nga nhiều lần khẳng định Moscow sẽ không dùng vũ khí hủy diệt này trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo Tass