1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo đáp trả nếu Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ đáp trả nếu Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân, vì cho rằng động thái này có thể ảnh hưởng tới an ninh của Moscow.

Nga cảnh báo đáp trả nếu Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân - 1

Tên lửa của Nga rời bệ phóng trong cuộc tập trận hạt nhân mới đây (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Ukraine có thể từ bỏ cam kết đã thực hiện trong gần 30 năm và đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 nhận định, lời cảnh báo trên của Ukraine không chỉ là "lời nói suông", vì Kiev có công nghệ của Liên Xô và hệ thống mang các vũ khí này.

"Chúng ta cũng biết các cảnh báo của Ukraine về việc đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân và đó không phải là lời nói suông. Ukraine thực tế có công nghệ hạt nhân của Liên Xô và các hệ thống mang chúng, ví dụ tên lửa chiến thuật Tochka-U. Tầm hoạt động của chúng khoảng 100 km nhưng việc phát triển tên lửa tầm xa hơn chỉ là vấn đề thời gian. Đã có những công trình nền móng từ thời Liên Xô", ông Putin nói. 

"Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn cho Ukraine để có thể sở hữu vũ khí hạt nhân so với các nước khác, những bên phải nghiên cứu về các vũ khí này", ông Putin cho biết thêm, nhưng không nêu chi tiết tên các nước.

Ông Putin cho rằng, nếu Ukraine sở hữu vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt, tình hình thế giới và châu Âu sẽ thay đổi nghiêm trọng. "Chúng ta không thể bỏ mặc mối nguy hiểm này mà không có biện pháp đáp trả. Đặc biệt, phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine những vũ khí như vậy nhằm gây ra mối đe dọa cho Nga", ông Putin nhấn mạnh.

 Cũng trong ngày 21/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đưa ra cảnh báo tương tự, nhấn mạnh Ukraine có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật.

"Họ có phần cứng, công nghệ, chuyên gia có thể và có năng lực nhỉnh hơn so với Iran và Triều Tiên (về vũ khí hạt nhân)", ông Shoigu nhận định.

Tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết, nước này hồi năm 1994 đã tham gia vào Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại sự bảo đảm về mặt an ninh.

"Giờ đây, chúng tôi vừa không có vũ khí, vừa không có an ninh", ông Zelensky nói.

Ông kêu gọi các quốc gia bảo lãnh cho Bản ghi nhớ hành động, nếu không Ukraine "sẽ có mọi quyền tin rằng Bản ghi nhớ Budapest không hoạt động và tất cả các điều khoản năm 1994 sẽ bị đặt dấu chấm hỏi".

Theo tass.com