1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo cứng rắn: Sẽ tiêu diệt F-16 Ukraine, kể cả ở căn cứ NATO

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Một số nguồn tin cho biết, khả năng cao là F-16 sắp được chuyển giao cho Kiev sẽ không đóng tại sân bay trên lãnh thổ Ukraine mà trên các căn cứ không quân NATO để tránh các cuộc tấn công của Nga.

Nga cảnh báo cứng rắn: Sẽ tiêu diệt F-16 Ukraine, kể cả ở căn cứ NATO - 1

Ukraine đang rất cần tiêm kích F-16 để thay đổi cuộc chơi (Ảnh: Sky News).

"Có một số F-16 sẽ đến Ukraine. Một số máy bay nhất định sẽ được cất giữ tại các căn cứ không quân an toàn, không phải ở Ukraine, để chúng không trở thành mục tiêu bị tấn công", ông Serhii Holubtsov, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh không quân Ukraine, tuyên bố hôm 10/6.

Một kịch bản như vậy được dự đoán trước. 

Thứ nhất, bản thân các chiến đấu cơ F-16 đang có mặt ở Romania (cụ thể là tại căn cứ Fetesti), nơi các phi công được đào tạo nên các phi công Ukraine biết rõ các căn cứ không quân và đường bay.

Thứ hai, các chuyến thử nghiệm từ Romania tới khu vực Odessa đã được thực hiện nhiều lần. Những chiếc F-16 hành trình qua Tulcea, tới Vilkovo và lượn vài vòng qua Zmein. Để làm gì? Một trong những khu vực phóng tên lửa đã được xác định ở đó và mục tiêu là Crimea.

Thứ ba, F-16 sẽ an toàn hơn trên lãnh thổ các nước NATO. Một cuộc tấn công vào các căn cứ Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ dẫn đến leo thang hoàn toàn, đó là lý do tại sao có thông báo chính thức rằng cơ sở hạ tầng NATO sẽ được các chiến đấu cơ Ukraine sử dụng để tấn công Nga.

Trong ván cờ, tình huống này được gọi là một nước đi có thể đạt được nhiều mục đích cùng lúc. Một mặt, Nga có thể tấn công vào các căn cứ không quân với hiệu quả không chắc chắn. Các cuộc tấn công của Nga vào các phi trường Ukraine xa xôi đã chứng minh điều này và NATO có "mắt thần" AWACS liên tục làm nhiệm vụ trên không, giúp đơn giản hóa việc phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa để đánh trả.

Mặt khác, hãy coi đây là sự thật, bởi xét cho cùng, quá trình huấn luyện coi như hoàn tất và nỗ lực tiêu diệt bất thành không quân Ukraine theo những cách khác nhau thể hiện sự yếu kém của Nga trong mắt phương Tây. Đó là điều mà NATO đang dựa vào để tăng mức độ leo thang.

Điều đáng nói thêm là F-16 Ukraine sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi chúng sử dụng tên lửa hành trình JASSM có tầm bắn lên tới 370km hoặc tên lửa không đối không AIM-120D với bán kính chiến đấu lên tới 180km.

Khả năng cao là F-16 Ukraine sẽ có mặt ở Romania trên căn cứ Fetesti và Campiy-Turzii, từ đó chúng có thể xuất kích, thực hiện các cuộc tấn công sau đó hạ cánh trung gian tại các phi trường ở phía Tây Ukraine hoặc trực tiếp qua Moldova và khu vực Odessa.

Ít có khả năng Slovakia sẽ trở thành căn cứ cho F-16 xuất kích bởi ở Romania thuận tiện hơn và các căn cứ trên lãnh thổ Ukraine như Uzhgorod và Ivano-Frankivsk cũng có những ưu điểm. Sự tham gia của Ba Lan trong quá trình này vẫn chưa bị loại trừ. Căn cứ Minsk Mazowiecki có phi đội F-16 Ba Lan, vì vậy có cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo dưỡng cho dòng chiến đấu cơ này. Và chúng có thể hạ cánh tại sân bay thông thường ở Lutsk hoặc Ozerny.

Các hành động tương tự được phi cơ ném bom Su-24M thực hiện định kỳ trước khi phóng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP. Chúng cất cánh từ Starokonstantinov mà không mang theo đạn dược, hạ cánh ở đâu đó ở Mirgorod, nơi được lắp vũ khí và sau khi phóng tên lửa sẽ quay trở lại tiếp nhiên liệu tại một trong những căn cứ ở Zapadenschina.

Điều đó có nghĩa là, chiến thuật sử dụng chiến đấu cơ mang tên lửa hành trình đã được Ukraine được tính toán rất kỹ và thực tế chứng minh là hoàn toàn khả thi với hiệu quả cao, nên sẽ không khó để điều chỉnh một chút cho việc sử dụng F-16 từ Romania hoặc Ba Lan.

Nga cảnh báo cứng rắn: Sẽ tiêu diệt F-16 Ukraine, kể cả ở căn cứ NATO - 2

Bản đồ các căn cứ tại NATO có thể phục vụ F-16 Ukraine hoạt động và các đường bay đã được tính toán (Ảnh: Rybar).

Những động thái này của Ukraine và NATO chắc chắn sẽ làm phức tạp công việc của lực lượng không quân và phòng không của Nga nhất là trong bối cảnh thiếu trầm trọng các hệ thống cảnh báo sớm, chẳng hạn như máy bay AWACS.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố cứng rắn, coi các tiêm kích F-16 được phương Tây cung cấp cho Ukraine nhưng đồn trú ở nước ngoài là mục tiêu hợp pháp, nếu các tiêm kích này tham gia nhiệm vụ chiến đấu ở vùng chiến sự.

Ngày 10/6, ông Andrei Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, nếu  F-16 cất cánh từ các căn cứ nước ngoài và thực hiện các cuộc xuất kích và tấn công chống lại lực lượng Nga, cả  chiến đấu cơ và sân bay đồn trú sẽ là "mục tiêu hợp pháp" của Moscow "với tất cả hậu quả đi kèm".

Trước đó, hôm 5/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ tấn công nhân viên NATO ở Ukraine nếu họ hỗ trợ Kiev tấn công các lực lượng của Liên bang Nga.

Ngày 6/6, sau cuộc không kích hiếm hoi của Ukraine nhằm vào một mục tiêu trong lãnh thổ Nga mà trong đó Kiev đã sử dụng đạn dược do Mỹ sản xuất, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin sẽ trả đũa "một cách bất cân xứng" để trừng phạt Washington vì đã giúp Kiev thực hiện vụ tấn công.

Kể từ vài tuần trở lại đây, Nga liên tục sử dụng tên lửa hành trình phóng từ TU-95MS và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal từ MiG-31K để đánh phủ đầu vào các căn cứ trên lãnh thổ Ukraine dự kiến sẽ triển khai F-16.

Nga cảnh báo cứng rắn: Sẽ tiêu diệt F-16 Ukraine, kể cả ở căn cứ NATO - 3

Nga tập kích tên lửa vào những nơi dự kiến Ukraine sẽ triển khai tiêm kích F-16. Trong đó, các mũi tên đỏ thể hiện đường bay của tên lửa (Ảnh: Military Summary).

Về lý thuyết, với tầm bắn lên đến hàng nghìn km, tên lửa Nga có thể tập kích bất kỳ đâu trong lãnh thổ Ukraine và kể cả trên lãnh thổ các nước láng giềng thuộc NATO.

Trong trường hợp cảnh báo của chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga thành hiện thực, việc tấn công vào các căn cứ trên lãnh thổ của một nước thành viên NATO có thể  sẽ kích hoạt điều khoản phòng vệ tập thể của khối, dẫn đến các hành động đáp trả quân sự.

Nếu viễn cảnh này xảy ra, cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ lan rộng ra ngoài biên giới nước này, đặt NATO và Nga vào thế đối đầu trực tiếp. Đây chắc chắn là điều mà cả hai bên đều muốn tránh, theo giới quan sát.

Theo Rybar
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm