Nga bác "tối hậu thư" của Ukraine, không tham gia hội nghị hòa bình
(Dân trí) - Nga tuyên bố không tham gia một hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về xung đột Ukraine, ngay cả khi được mời chính thức.
"Diễn đàn này sẽ được tổ chức để thúc đẩy tối hậu thư về "công thức hòa bình Zelensky", mặc dù các nhà tổ chức Thụy Sĩ giả vờ rằng họ đang tìm kiếm một mẫu số chung trong các sáng kiến hòa bình của các quốc gia khác nhau", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm 13/3.
Phản hồi chính thức của Nga được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin Trung Quốc và Thụy Sĩ đang nỗ lực mời Nga tham gia đàm phán.
Tháng trước, Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình "vào mùa hè". Hiện thời điểm tổ chức hội nghị chưa được công bố và danh sách các bên tham gia cũng chưa được tiết lộ.
Tuy nhiên, Ukraine đã nêu rõ rằng Nga chỉ có thể được mời nếu nước này đồng ý trước một loạt điều kiện.
Bà Zakharova tuyên bố Moscow không có ý định tham gia một hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về cuộc xung đột Ukraine, ngay cả khi được mời chính thức.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bao gồm một số điều khoản phi thực tế, bao gồm việc rút quân Nga về biên giới Ukraine năm 1991, buộc Moscow phải chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường, cũng như các điều khoản về lương thực, an toàn hạt nhân, năng lượng, sinh thái và các vấn đề nhân đạo.
Bà Zakharova cho biết các yêu cầu cơ bản của Kiev vẫn được giữ nguyên, trong khi lợi ích hợp pháp của Nga đang bị phớt lờ.
"Vì vậy, hội nghị sắp tới là sự tiếp nối của các cuộc họp theo hình thức Copenhagen, vốn ban đầu gây mất uy tín và giờ đã đi vào ngõ cụt", bà Zakharova nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow tin chắc rằng "Thụy Sĩ khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình khác nhau, vì điều này đòi hỏi phải có một vị thế trung lập mà Bern đã đánh mất".
"Tất cả những điều này khiến việc Nga tham gia vào "hội nghị hòa bình" trên trở nên vô nghĩa vì bất kể hội nghị này được tổ chức theo một, hai hay năm giai đoạn, bản chất tối hậu thư của nó, do Kiev và những "ông chủ" của họ thúc đẩy, vẫn không thay đổi", bà Zakharova kết luận.
Các nước phương Tây ủng hộ Ukraine cho rằng một giải pháp hòa bình chỉ có thể đạt được theo các điều kiện của Kiev và tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine "trong chừng mực cần thiết". Trong khi đó, Nga nhấn mạnh rằng không có khoản viện trợ nước ngoài nào thay đổi được tiến trình của cuộc xung đột.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev từng được tổ chức vào mùa xuân năm 2022, nhưng đã đổ vỡ khi cả hai bên cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.
Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định Nga vẫn để ngỏ các cuộc thảo luận có ý nghĩa và đổ lỗi cho việc chính quyền Ukraine thiếu đột phá ngoại giao.