NATO liệu có đưa quân đến Ukraine?
(Dân trí) - Mặc dù khẳng định muốn tránh một cuộc xung đột trực tiếp với Nga nhưng một số nước NATO dường như bắt đầu cân nhắc phương án điều quân đến Ukraine.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 26/2 cho biết, một số nước NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa quân đến Ukraine khi xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3.
"Tôi có thể xác nhận rằng có những quốc gia sẵn sàng gửi quân tới Ukraine. Cũng có những quốc gia tuyên bố sẽ không bao giờ làm việc đó, trong đó có Slovakia. Cũng có những nước nói rằng đề xuất này cần được xem xét", Thủ tướng Fico phát biểu sau cuộc họp của lãnh đạo phương Tây tại Paris (Pháp).
Cùng ngày, phát biểu với truyền thông, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc gửi quân đến chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Không nên loại trừ bất cứ giả thuyết nào. Chúng ta đang trong quá trình đảm bảo an ninh chung cho hôm nay và ngày mai. Chúng ta sẽ làm mọi thứ cần làm để Nga không giành được chiến thắng".
Một quan chức Nhà Trắng không nêu tên nói với Reuters rằng Mỹ không có kế hoạch gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, và cũng không có kế hoạch gửi quân NATO đến Kiev.
Mặc dù các thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đã viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Ukraine nhưng các nước này đều khẳng định muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga bởi một cuộc xung đột như vậy có thể dẫn đến thế chiến.
"Cả NATO và đồng minh của NATO đều không phải bên tham gia vào cuộc chiến này", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14/2 nêu rõ.
NATO có đủ lý do để can dự vào Ukraine
Mặc dù vậy, Fan Gaoyue, Giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, người từng là chuyên gia về khoa học quân sự tại Học viện Quân sự Trung Quốc, nêu ra những lý do có thể khiến NATO quyết định can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Thứ nhất, sự hỗ trợ quân sự khổng lồ mà NATO cung cấp cho Ukraine cho tới nay không làm thay đổi thế trận cơ bản, với một bên là nước Nga mạnh hơn và một bên là Ukraine yếu hơn.
Dân số Nga là 146 triệu người, gấp khoảng 3,4 lần Ukraine. Trước xung đột, nước này có lãnh thổ rộng 17,1 triệu km2, gấp khoảng 28 lần lãnh thổ Ukraine. Quân đội của Nga có khoảng 900.000 người, gấp khoảng 4,6 lần so với Ukraine.
Hơn nữa, Nga có ngành công nghiệp quốc phòng mạnh hơn Ukraine rất nhiều. Sau khi xung đột bắt đầu, 1,3 triệu người đã rời khỏi Ukraine. Hầu hết cơ sở hạ tầng của Ukraine cũng như ngành công nghiệp quốc phòng của nước này bị phá hủy. Điều này cho thấy Nga chiếm ưu thế hơn.
Từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2023, NATO và các quốc gia hỗ trợ khác đã cung cấp hơn 80 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong đó, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 7 hạng mục và 102 loại vũ khí, thiết bị được rút từ kho vũ khí bằng cách sử dụng quyền đặc biệt của tổng thống.
Các quốc gia thành viên NATO khác, bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Canada cũng cung cấp cho Ukraine pháo binh, xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tên lửa, radar và nhiều thứ khác.
Những gói viện trợ quân sự này đã giúp nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng Ukraine, song không làm thay đổi tình hình cơ bản. Cuộc phản công chiến lược mà NATO mong đợi đã không xảy ra và mục tiêu chiến lược đẩy lùi Nga vẫn chưa thành hiện thực.
Thứ hai, năng lực của các nước thành viên NATO không phải là vô hạn, nói cách khác, họ không thể viện trợ cho Ukraine về lâu dài.
Mỹ là nước đứng đầu NATO và cũng là nước viện trợ quân sự chính cho Ukraine. Nhưng nhu cầu quân sự của Ukraine rất lớn, thậm chí một siêu cường quân sự như Mỹ cũng không thể đáp ứng được hết yêu cầu của Ukraine. Ví dụ, một số vũ khí và thiết bị tiên tiến cần có thời gian sản xuất là hai năm trước khi có thể được gửi đến Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đáng lẽ có thể viện trợ thêm cho Ukraine hơn 60 tỷ USD nhưng dự luật này đến nay vẫn bế tắc ở quốc hội. Rõ ràng là Washington không thể đáp ứng được nhu cầu của Kiev. Ngoài ra, có 20 quốc gia thành viên NATO cho biết họ đã cung cấp tất cả vũ khí và đạn dược có thể và rất khó để tiếp tục hỗ trợ.
Thứ ba, xung đột Nga - Ukraine là một cuộc chiến mà NATO khó chấp nhận phần thua.
Trong cuộc xung đột hiện tại, Nga nhiều lần nói rằng họ không chỉ chiến đấu với Ukraine mà với cả phương Tây. Sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của 50 quốc gia cộng lại mạnh hơn Nga rất nhiều. Với những lợi thế như vậy, lẽ ra Ukraine đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Tuy vậy, Ukraine vẫn chưa làm được và dường như khó làm được điều đó nếu NATO không gửi quân tới giúp đỡ. Nếu Ukraine thua trong cuộc chiến, vị thế của Mỹ và phương Tây sẽ suy giảm. NATO không thể thua và họ sẽ phải tính đến việc gửi quân đến Ukraine.
Thứ tư, cuộc bầu cử ở Mỹ đang đến gần, cục diện chiến sự ở Ukraine có thể quyết định kết quả bầu cử.
Nếu Kiev không thể giành chiến thắng sau khi Mỹ đổ hàng chục tỷ USD vào Ukraine, chính sách viện trợ Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bị đảng Cộng hòa công kích và làm giảm cơ hội tái đắc cử của ông. Nếu NATO gửi quân đến Ukraine và sau đó đẩy lùi được lực lượng Nga, đó sẽ là dấu ấn mạnh mẽ của chính quyền Biden và giúp ông giành chiến thắng thêm một lần nữa.
Điều quân đến Ukraine không phải phương án khả thi
Ngay sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, NATO đã triển khai những đội quân tinh nhuệ như Sư đoàn cơ giới số 3 và Sư đoàn tấn công đường không số 101 từ Bắc Mỹ đến châu Âu để tăng cường lực lượng của Mỹ lên hơn 100.000 người.
Mỹ cũng đã triển khai 8 nhóm chiến đấu bao gồm 42.000 binh sĩ, 120 máy bay chiến đấu và hơn 20 tàu chiến dọc theo sườn phía đông của các quốc gia thành viên NATO để thể hiện quyết tâm hỗ trợ Ukraine và răn đe Nga. Washington thậm chí thành lập các tổ chức và cơ sở huấn luyện tạm thời ở Đức, Anh, Canada và Mỹ để huấn luyện lực lượng Ukraine cách sử dụng vũ khí phức tạp cũng như cách tiến hành các hoạt động phối hợp.
Họ đã thực hiện một loạt cuộc tập trận quân sự, như Cyber Lock Shield 2022, Air Defender 2023 và Steadfast Defender 2024 để diễn tập và cải thiện các hoạt động, kế hoạch và đường lối hành động của mình. Mỹ từng gọi Nga là mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với an ninh của NATO cũng như đối với hòa bình và sự ổn định của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.
Mặc dù vậy, đến nay, phương Tây vẫn coi việc đưa quân đến Ukraine tham chiến trực tiếp là "lằn ranh đỏ".
Nếu NATO đưa lực lượng tới Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến, hành động này sẽ kéo theo 2 nguy cơ lớn: Cuộc chiến thông thường sẽ biến thành chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến khu vực sẽ biến thành chiến tranh thế giới.
Trong Thông điệp Liên bang hôm 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, nếu phương Tây đưa quân đến Ukraine, điều đó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân.
Theo giới chuyên gia, NATO gần như chắc chắn sẽ không điều quân tới bảo vệ Ukraine vì Kiev không phải là thành viên của liên minh này, do đó không thuộc trường hợp được bảo vệ theo Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO. Đến nay, mới chỉ có Mỹ là thành viên duy nhất sử dụng Điều 5 trong Hiệp ước NATO sau vụ tấn công khủng bố 11/9.
Một thách thức lớn hơn mà NATO phải đối mặt nếu quyết định triển khai quân đến Ukraine là xác định cung cấp trang thiết bị quân sự cho lực lượng này lâu dài và cho một cuộc xung đột với quy mô thậm chí lớn hơn.
Theo các chuyên gia quân sự, thực tế NATO chưa có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến như vậy. NATO không có kho dự trữ cũng như không có năng lực sản xuất để đáp ứng kịch bản đó.
"Nền kinh tế vừa đủ mà NATO cùng nhau xây dựng trong 30 năm không phù hợp trong trường hợp có chiến tranh", Đô đốc Rob Bauer, thuộc Hải quân Hà Lan và là cố vấn quân sự của NATO, phát biểu cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, NATO có thể sẽ không ngăn cản các quốc gia thành viên đơn phương điều quân nhân nước mình tới Ukraine. Vấn đề là dường như không có quốc gia nào muốn trở thành đối phương của cường quốc hạt nhân như Nga và phải chống lại Moscow trong một cuộc xung đột quân sự.
Do đó, cấp độ cao nhất đối với các quốc gia NATO có lẽ vẫn là ủng hộ về ngoại giao và nỗ lực viện trợ tài chính, cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ý tưởng khiến Ukraine "lợi bất cập hại"
Trong bối cảnh các tin đồn bủa vây châu Âu, tuyên bố của Tổng thống Pháp macron dường như càng truyền đi thông điệp phơi bày sự chia rẽ nội bộ phương Tây, đồng thời hé lộ tình trạng của quân đội Ukraine.
Tại Nga, trong khi Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cho rằng ông Macron "không kiềm chế được lời nói" thì Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin cũng cho rằng những tuyên bố này "khiến người dân Pháp và lãnh đạo nhiều quốc gia khác giật mình".
Theo nhiều nhà quan sát, trong quá khứ, ông Macron từng không ít lần có những phát biểu khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, việc nhắc đến ý tưởng "điều quân NATO tới Ukraine" mang ý nghĩa nghiêm trọng hơn hẳn.
Trước đó, một cuộc khảo sát được thực hiện trong phạm vi 12 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ ra sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm của công chúng. Cuộc phản công được đánh giá kém triển vọng và viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng làm dấy lên tâm lý bi quan ngày càng gia tăng. Chỉ 10% những người được hỏi tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng, trong khi tỷ lệ này là 20% đối với Nga.
Ngoài ra, chỉ 31% câu trả lời họ muốn châu Âu tiếp tục ủng hộ Ukraine cho đến khi nước này giành được thắng lợi, trong khi có tới 41% muốn Kiev ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Moscow. Giới quan sát gọi đây là tình trạng "sự đoàn kết của người dân đang dần lung lay".
Trong tình thế như vậy, lãnh đạo một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Âu như ông Macron được kỳ vọng sẽ thuyết phục công chúng và các nhà lãnh đạo khác vững tin vào mục tiêu họ đang theo đuổi.
Việc đề cập đến kế hoạch triển khai lực lượng NATO, đi ngược lại với mong muốn trên, và khiến dư luận dao động. Đặc biệt, điều này có nguy cơ vượt qua "lằn ranh đỏ", kích động hệ thống răn đe hạt nhân của Nga.
Tất cả những nguyên nhân trên đang ngày càng đẩy Ukraine vào tình thế khó khăn. Nếu Kiev muốn tiếp tục kiên trì để chuẩn bị cho một cuộc phản công mới trong năm nay, họ sẽ không thể kéo dài tình trạng thiếu nhân lực và đạn dược như hiện tại.
Theo phân tích của báo Politico, "nếu không có hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và đạn pháo của phương Tây, việc dựng lên tầng lớp phòng thủ vững chãi sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với Kiev".
Để Ukraine có thể tiếp tục cuộc chiến đến cùng, giới quan sát quân sự vẫn cho rằng việc giữ vững lòng tin và đảm bảo cung cấp viện trợ đều đặn sẽ là yếu tố tiên quyết.
Theo Conversation, New York Post, China Focus, Politico