1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO gửi 100.000 quân đến Syria vẫn sẽ không thể đánh bại được IS

Cựu Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman đã kêu gọi NATO gửi 100.000 quân tới Iraq và Syria để diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông, nhưng kế hoạch này, theo các chuyên gia là "hoàn toàn phi lý và không thực tế".

Sau loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Brussels, Bỉ hôm 22-3 vừa qua mà IS đã đứng lên nhận trách nhiệm, khiến hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương, Lieberman, lãnh đạo của đảng Yisrael Beiteinu, đã bình luận: "Thay vì làm sạch nước ở đầm lầy, các nhà cầm quyền châu Âu đề nghị đuổi muỗi. Với đề nghị như thế sẽ không có cơ hội thành công. Nếu chúng ta làm sạch nước ở các vùng đầm lầy, muỗi sẽ biến mất. Tương tự như vậy, nếu chúng ta diệt tận gốc bọn khủng bố, chúng cũng sẽ biến mất".

Như vậy, theo ông Lieberman, chiến lược triệt tận gốc IS sẽ đòi hỏi NATO cần 100.000 binh sĩ để tiêu diệt các trụ sở của nhóm Hồi giáo cực đoan ở Mosul, Raqqa và các thành phố khác.

Nếu NATO gửi 100.000 binh lính đến Syria vẫn sẽ không thể đánh bại được IS
Nếu NATO gửi 100.000 binh lính đến Syria vẫn sẽ không thể đánh bại được IS

Còn cựu nhà ngoại giao Nga Vyacheslav Matuzov, người đứng đầu tổ chức hợp tác kinh doanh và hữu nghị Nga, đã gọi kế hoạch của Lieberman "hoàn toàn phi lý và không thực tế".

"Chiến lược hiện nay nhằm đánh bại IS là chiến lược rất đúng đắn. Nó đã được đền đáp: Khủng bố đang mất dần. Thành phố Palmyra ở Syria đã gần như được giải phóng. Lực lượng Damascus đang tiến về phía Raqqa. Tại Iraq, giải phóng Mosul đang trong chương trình nghị sự", ông Matuzov nói với tờ Svobodnaya Pressa và đưa ra dẫn chứng: “Quả vậy, nhờ sự can thiệp quân sự đáng kể của Nga tại Syria, IS đã phải chịu tổn thất lớn. Thực tế, báo cáo mới nhất từ ​​Syria chỉ ra rằng, lực lượng Damascus và các đồng minh của họ đã đẩy các phiiến binh ra khỏi Palmyra, khủng bố đang trong tình trạng tan đàn xẻ nghé”.

Hồi đầu tháng này, theo Nhóm giám sát xung đột của IHS (IHS Conflict Monitor), lãnh thổ mà tổ chức khủng bố kiểm soát đã bị co lại đáng kể. IS đang ngày càng bị cô lập và bị coi là suy yếu trầm trọng.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria cũng phá hủy nhiều khu vực dầu mỏ quan trọng mà IS đang chiếm giữ. Đây được coi là một trong những nguồn thu chính của nhóm khủng bố từ việc buôn lậu nguồn tài nguyên này.

IHS Conflict Monitor còn cho biết, chiến dịch không kích của Nga đã làm giảm đáng kể công suất lọc dầu và phá hủy hàng nghìn chiếc xe chở dầu thô của IS.

Ông Matuzov cũng lưu ý rằng, tất cả những người tham gia trong chiến dịch chống IS cũng nên tập trung nỗ lực chống khủng bố ở những quốc gia mà nhóm Hồi giáo cực đoan có thể cố gắng giành lại được một chỗ đứng vững chắc, đặc biệt là Afghanistan, Libya và Yemen. Những nước này hiện đang gặp khó khăn do bạo lực sắc tộc trong nhiều năm - một mảnh đất màu mỡ cho nhóm khủng bố. Chúng sẽ tận dụng tình trạng hỗn loạn ở các nước này để xây dựng nền móng và bành trướng hoạt động tại đó.

Theo ông Abbas Dzhuma - nhà nghiên cứu về các mối quan hệ quốc tế ở Syria, thế giới đã nhìn thấy những gì xảy ra sau khi hàng ngàn binh lính Mỹ hay NATO được triển khai đến quốc gia Trung Đông này.

"NATO đã gửi các lực lượng vũ trang đến Iraq và Afghanistan. Kết quả là gì? Những nước đó đã sạch bóng khủng bố chưa? NATO đã tuyên bố sẽ đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trên thế giới, nhưng cộng đồng quốc tế không nhận thấy được những hành động gì đáng kể ngoài những tuyên bố sáo rỗng và lặp đi lặp lại”, ông nói với tờ Svobodnaya Pressa.

Sau cùng, ông kết luận: "Nếu NATO có gửi 100.000 binh lính đến Syria vẫn sẽ không thể đánh bại được IS".

Theo Hoàng Vân/Sputnik

An ninh thủ đô