Syria giành thế chủ động trước Mỹ và NATO
Không cường quốc nào được phép can thiệp vào các cuộc hòa đàm tại Geneva và cuộc gặp Nga-Mỹ tại Moscow sắp tới sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình hòa đàm.
Đó là tuyên bố của ông Bashar al-Jaafari, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 23/3.
Ông al-Jaafari nêu rõ: "Khi chúng ta nói rằng đối thoại là giữa những người Syria và không có sự can thiệp từ bên ngoài thì điều này cũng áp dụng với cả người Mỹ và người Nga".
Bình luận của trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria tại Geneva được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tới Moskva để thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Sergei Lavrov.
Đàm phán tại Geneva đã bước sang ngày thứ 10 và ông Jaafari tuyên bố việc có tin nói rằng Nga có thể gây áp lực lên Syria là hoàn toàn nhầm lẫn.
Tới nay, Syria vẫn chưa đưa ra đề xuất chi tiết về việc chuyển giao chính trị tại quốc gia này theo như lời kêu gọi của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura.
Trước đó, trả lời về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, ông al-Jaafari cũng khẳng định rằng Tổng thống Assad không có gì để làm với các cuộc thảo luận nội bộ Syria và số phận chính trị của ông vốn đã không nằm trong các vấn đề thảo luận tại bàn đàm phán hòa bình.
Những tuyên bố cứng rắn của đại diện Syria tại Liên hợp quốc cùng những chiến thắng liên tiếp của quân đội Syria trên chiến trường cho thấy chính phủ Syria đang nắm quyền chủ động đàm phán với các phe phái đối lập và trừng trị IS, đồng thời tiếng nói của Mỹ và NATO yêu cầu Tổng thống Assad phải ra đi đã không được Syria chấp nhận.
Giới chức Mỹ vẫn coi động thái liên quan tới tương lai của Tổng thống Assad là yếu tố then chốt để tạo đà cho cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
Trong khi đó, Nga nhiều lần khẳng định chỉ cử tri Syria mới có thể quyết định số phận của ông Assad.
Cho tới thời điểm này, vòng đàm phán hòa bình về Syria được đánh giá là có bầu không khí tích cực, tuy nhiên lập trường của các bên còn rất nhiều khác biệt, đặc biệt là về tương lai chính trị của ông Assad.
Đáng chú ý, Mỹ và NATO khó có thể chấp nhận việc ngồi nghe Syria tiến hành đàm phán và đưa ra kế hoạch cho tiến trình hòa bình.
Chính vì vậy, có thể cuộc chiến tại Syria sẽ còn kéo dài và khốc liệt. Cuộc nội chiến này đang tàn phá đất nước Syria, khiến hơn 270.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải dời bỏ quê hương đi lánh nạn.
Theo An Nhiên (Tổng hợp)
Đất Việt