1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Myanmar trên bờ vực nội chiến, quân đội tuyên bố ngừng bắn

Minh Phương

(Dân trí) - Quân đội Myanmar tuyên bố ngừng bắn 1 tháng để hòa đàm với các nhóm vũ trang thiểu số, trong bối cảnh Myanmar đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến.

Myanmar trên bờ vực nội chiến, quân đội tuyên bố ngừng bắn - 1
Quân đội Myanmar tuyên bố ngừng bắn trong tháng 4 và kêu gọi hòa đàm với các nhóm vũ trang thiểu số (Ảnh: EPA - EFF).

Ngừng bắn 1 tháng

Theo AFP, quân đội Myanmar ngày 31/3 bất ngờ tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài một tháng. Tuyên bố được đăng tải trên kênh truyền hình MRTV của quân đội Myanmar kêu gọi các nhóm vũ trang thiểu số "duy trì hòa bình" và nói rằng quân đội sẽ "dừng các hoạt động đơn phương từ ngày 1/4 đến 30/4. Tuy nhiên, quân đội tuyên bố sẽ vẫn đáp trả "các hành động làm gián đoạn chính quyền và an ninh chính phủ".

Đề nghị ngừng bắn dường như nhằm gửi gắm thông điệp đến các nhóm vũ trang thiểu số trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa quân đội và các nhóm này có xu hướng leo thang, đặc biệt từ sau cuộc binh biến ngày 1/2.

Trong nhiều thập niên qua, hơn 10 nhóm vũ trang thiểu số ở Myanmar tìm cách giành quyền tự trị lớn hơn từ chính quyền trung ương đối với một số khu vực mà họ hiện diện dọc biên giới. Kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự hồi đầu tháng 2, một phong trào phản đối binh biến đã ra đời với các hoạt động như kêu gọi người lao động đình công hay lập liên minh với các nhóm vũ trang thiểu số nhằm gây sức ép lên chính quyền quân sự.

Từ cuối tuần trước, quân đội Myanmar đã tiến hành các cuộc không kích một số khu vực ở bang Karen, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và buộc hàng nghìn người dân chạy vào rừng hoặc vượt biên sang các quốc gia láng giềng lánh nạn. Đây là khu vực do Liên đoàn Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát. KNU là một trong các nhóm vũ trang thiểu số đã đứng ra ủng hộ phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự, họ tuyên bố sẽ bảo vệ cho người biểu tình ở địa bàn mà họ kiểm soát.

Hiện các nhóm vũ trang thiểu số chưa có phản hồi nào về tuyên bố ngừng bắn của quân đội.

Liên Hợp Quốc tăng sức ép

Tuyên bố ngừng bắn của quân đội Myanmar được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến giữa quân đội với các nhóm vũ trang ở Myanmar. Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối binh biến ở quốc gia này chưa có dấu hiệu lắng xuống. Ít nhất 536 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa người biểu tình với lực lượng an ninh.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener hôm qua kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động để ngăn chặn tình hình bạo lực ở Myanmar. "Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an cân nhắc tất cả công cụ sẵn có để phối hợp hành động nhằm ngăn chặn thảm họa ở trái tim của châu Á", bà Burgener phát biểu trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an. Bà nhấn mạnh, cơ hội đối thoại với chính quyền quân sự Myanmar vẫn để ngỏ nhưng cũng cảnh báo: "Nếu chúng ta chỉ chờ khi nào họ sẵn sàng đối thoại, tình hình sẽ chỉ càng tồi tệ hơn".

Trong một diễn biến liên quan khác, Đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun đã gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một lá thư vào đầu tuần này, trong đó nêu quan ngại về sự an toàn của người dân Myanmar và kêu gọi quốc tế hành động nhanh chóng giúp khôi phục chính quyền dân sự Myanmar. Đại sứ Myanmar đề xuất Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hỗ trợ người dân Myanmar, lập vùng cấm bay để ngăn chặn các cuộc không kích của quân đội, đóng băng tài khoản ngân hàng của chính quyền quân sự và lập tức áp lệnh cấm vận vũ khí, đóng băng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhóm nghị sĩ bị lật đổ tính lập chính quyền dân sự

Các nghị sĩ dân chủ bị lật đổ ở Myanmar hôm qua cho biết họ đang chuẩn bị thành lập một chính phủ lâm thời trong thời gian tới. "Chúng tôi sắp đạt được mục tiêu. Một chính phủ đoàn kết lâm thời của Myanmar sẽ được thành lập và ra mắt vào khoảng cuối tháng", ông Zin Mar Aung, một nghị sĩ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), cho biết.

Ông Zin Mar Aung là quyền ngoại trưởng trong Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), một tổ chức do nhóm các nghị sĩ dân chủ lập ra nhằm phản đối chính quyền quân sự. CRPH đã đàm phán với các nhóm vũ trang thiểu số và các đảng phái phản đối quân đội. CRPH cũng đã bổ nhiệm một số quyền bộ trưởng trong nỗ lực lập ra một chính quyền song song nhằm thách thức chính quyền quân sự. Chính quyền quân sự Myanmar coi các hoạt động của CRPH là "phản quốc" và cảnh báo các thành viên của tổ chức này cũng như các cá nhân, tổ chức hợp tác với CRPH có thể đối mặt với lệnh trừng phạt.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar