1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Myanmar gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng

Quốc Đạt

(Dân trí) - Chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng từ 3 năm trước, trong bối cảnh quân đội chính quyền và các nhóm nổi dậy vẫn đang đụng độ.

Myanmar gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng - 1

Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tại thủ đô Naypyitaw vào tháng 3/2021 (Ảnh: Reuters).

"Quyền Tổng thống U Myint Swe đã tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng... vì tình hình bất thường và để tiếp tục tiến trình chống khủng bố", chính quyền quân sự cho biết ngày 31/1.

Đây là lần gia hạn thứ 5 kể từ khi quân đội lên nắm quyền tại Myanmar vào ngày 1/2/2021.

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự, ban đầu cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 8/2023, nhưng sau đó trì hoãn vì cho rằng vẫn còn sự bất ổn ở các khu vực xung đột và sự cần thiết tiến hành điều tra dân số quốc gia trước khi bỏ phiếu.

Theo hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008 của Myanmar, chính quyền cần tổ chức bầu cử trong vòng 6 tháng kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Trước đó, Thống tướng Min Aung Hlaing đã nhắc lại cam kết tổ chức bầu cử trong cuộc họp ngày 6/1 tại thủ đô Naypyitaw. Báo chí Myanmar dẫn lời ông Min Aung Hlaing cho biết, chính quyền sẽ bàn giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho đảng thắng cử trong cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Myanmar rơi vào bất ổn kể từ tháng 2/2021, với việc xung đột đang nổ ra trên 2/3 đất nước, theo các cơ quan Liên Hợp Quốc.

Từ cuối tháng 10/2023, liên minh 3 nhóm vũ trang sắc tộc phát động chiến dịch tấn công quân đội chính quyền và đến nay đã chiếm được ít nhất 34 thị trấn.

Ở phía bắc và đông bắc Myanmar, lực lượng vũ trang sắc tộc phát động chiến dịch tập trung vào các thị trấn trọng điểm dọc biên giới với Trung Quốc.

Ở miền trung, các nhóm Lực lượng Phòng vệ Nhân dân có liên hệ với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) lưu vong đã tăng cường tấn công quân đội.

Ở miền tây, lực lượng Quân đội Arakan (AA) chiếm giữ các căn cứ quân sự của quân đội gần Ấn Độ và Bangladesh, trong khi lực lượng sắc tộc người Karen tấn công các tuyến đường cao tốc quan trọng trong tuyến thương mại xuyên biên giới với Thái Lan.

Hơn 600.000 người đã phải bỏ nhà cửa kể từ khi xung đột bùng nổ.

Theo Nikkei, AFP