1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Myanmar bắt thủ lĩnh biểu tình

Minh Phương

(Dân trí) - Lực lượng an ninh Myanmar đã bắt giữ Wai Moe Naing - một trong những thủ lĩnh chủ chốt của phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự.

Myanmar bắt thủ lĩnh biểu tình - 1
Wai Moe Naing - một trong những thủ lĩnh chủ chốt của phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar (Ảnh: Twitter).

Reuters dẫn lời bạn bè và đồng nghiệp của Wai Moe Naing cho biết, anh bị bắt khi lực lượng an ninh được cho là dùng ô tô lao vào xe máy của Wai.

"Người anh em Wai Moe Naing của chúng tôi đã bị bắt giữ. Xe máy của cậu ấy đã bị một xe cảnh sát đâm vào", Win Zaw Khiang, một thành viên của nhóm tổ chức biểu tình, cho biết trên mạng xã hội ngày 15/4. Một đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, một ô tô cảnh sát lao vào đám đông biểu tình bằng xe máy.

Wai Moe Naing, 25 tuổi, là một trong những thủ lĩnh chính của phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar. Trước đó, Reuters đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Wai khi anh chuẩn bị dẫn dắt một cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Monywa, cách Yangon khoảng 700km về phía bắc. Monywa là một trong những trọng tâm của chiến dịch phản đối binh biến.

Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối binh biến ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng xuống sau hai tháng rưỡi. Theo Tổ chức Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 715 người đã thiệt mạng và hơn 3.000 người bị bắt giữ kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi. Mặc dù chính quyền quân sự Myanmar nói rằng các cuộc biểu tình đang suy yếu dần, hàng nghìn người ở nước này vẫn tham gia vào các cuộc biểu tình, tuần hành ở một số địa phương.

Myanmar bắt thủ lĩnh biểu tình - 2
Làn sóng biểu tình phản đối binh biến ở Myanmar vẫn tiếp diễn (Ảnh: Reuters).

Hôm 15/4, lực lượng an ninh ở thành phố Mandalay bị cáo buộc nổ súng giải tán cuộc biểu tình của các nhân viên y tế, khiến một người thiệt mạng và một số người bị thương.

Nhiều nhân viên y tế đã tham gia vào chiến dịch biểu tình phản đối binh biến. Truyền thông quốc gia Myanmar đưa tin, trong số 200 người bị chính quyền quân sự truy nã với cáo buộc kích động biểu tình có ít nhất 20 bác sĩ.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong khi Mỹ và một số nước phương Tây khác áp lệnh trừng phạt với các tướng lĩnh và doanh nghiệp quân đội Myanmar, các nước ở khu vực châu Á nỗ lực kêu gọi đối thoại ở quốc gia Đông Nam Á này.

Lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến nhóm họp vào ngày 24/4 tới tại Indonesia để thảo luận tình hình Myanmar. Thống tướng Min Aung Hlaing, người điều hành Myanmar sau binh biến, dự kiến sẽ tham gia. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài và tiếp xúc với các nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của ông Min Aung Hlaing kể từ khi nắm chính quyền.

Trong một diễn biến liên quan khác, Đại sứ Myanmar tại Anh vừa bị chính quyền quân sự miễn nhiệm, ông Kyaw Zwar Minn, đã "cầu cứu" chính phủ Anh khi ông có nguy cơ bị chính quyền quân sự trục xuất khỏi chính nơi ở của mình tại London. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu ông muốn được chính phủ Anh giúp đỡ như thế nào.

Ông cho biết, ông đã nhận được thư từ chính quyền quân sự về việc phải rời khỏi dinh thự ở phía bắc London sau khi bị miễn nhiệm vì tuyên bố trung thành với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, ủng hộ phong trào biểu tình.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar