1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Trung chạy đua chia phần "miếng bánh" châu Phi

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ kỳ vọng sáng kiến xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) của Tổng thống Joe Biden có thể giúp Washington đối chọi với sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) của Trung Quốc tại châu Phi.

Mỹ - Trung chạy đua chia phần miếng bánh châu Phi - 1

Một dự án của Trung Quốc ở châu Phi (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) là sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đã được các nhà lãnh đạo nhóm các nền dân chủ giàu nhất thế giới nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6.

Với mục tiêu đầu tư 40.000 tỷ USD vào các quốc gia đang phát triển, bao gồm chủ yếu châu Phi, vào năm 2035, B3W được xem là một "giải pháp thay thế" cho sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) của Trung Quốc vì "nó dựa trên giá trị, tiêu chuẩn cao, minh bạch và thân thiện với môi trường".

Tuần trước, trong chuyến thăm châu Phi do Phó cố vấn an ninh quốc gia Daleep Singh dẫn đầu tại thăm Ghana và Senegal, Mỹ đã xác định đầu tư cho 10 dự án trọng điểm theo B3W, sau một sứ mệnh tương tự tại Colombia, Ecuador và Panama vào đầu tháng 10. Những kế hoạch liên quan đến B3W có thể được hoàn thiện tại cuộc họp của G7 vào tháng 12 tới, mở đường cho việc xác định và khởi động một số dự án quan trọng vào đầu năm sau.

W. Gyude Moore, chuyên gia chính sách cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu và là cựu Bộ trưởng Công trình công cộng của Liberia, cho rằng Mỹ có khả năng sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng và y tế ở hai quốc gia châu Phi này. Theo chuyên gia này, các chính phủ châu Phi sẽ có rất có lợi khi đa dạng hóa các nguồn tài trợ. "Cạnh tranh giữa B3W và BRI sẽ là điều tốt cho các nước châu Phi", ông nói.

Trung Quốc hiện đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng cứng của châu Phi, bao gồm cả các con đập và đường sắt, những lĩnh vực mà trước đây các công ty Mỹ và châu Âu còn do dự không muốn đổ tiền vào vì không thể đảm bảo hậu thuẫn tài chính.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/11 đánh giá thấp tác động của nguồn tài trợ B3W, nói rằng "có nhiều dự án cho hợp tác cơ sở hạ tầng toàn cầu và các sáng kiến khác nhau chứ không cần phải đối lập hoặc thay thế lẫn nhau".

Bình luận về B3W, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói thêm rằng, "các quốc gia nên hợp tác để xây dựng châu Phi, thúc đẩy kết nối hơn là tách rời, tìm kiếm lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi hơn là cô lập và độc quyền".

Giữa B3W và BRI quá khác biệt

Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, B3W và BRI có các mục tiêu và cách tiếp cận rất khác nhau.

Giáo sư David Shinn tại Trường Vấn đề Quốc tế Elliott của Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng, trong khi B3W dựa vào huy động vốn của khu vực tư nhân thì nguồn tiền của BRI phần lớn là từ các khoản vay của các tổ chức nhà nước Trung Quốc.

Trong khi BRI "tập trung vào cơ sở hạ tầng cứng như đường xá, cầu cống, đập…, B3W nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng mềm như khí hậu, y tế và an ninh, công nghệ kỹ thuật số, bình đẳng giới và bình đẳng…". Theo giáo sư Shinn, sự chồng chéo thực sự duy nhất là trong lĩnh vực truyền thông. "Có nhiều đất cho cả B3W và BRI nếu chúng được triển khai thích hợp", ông nói thêm.

Cơ chế hợp tác của BRI và B3W cũng khác nhau hoàn toàn. Trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở vào tháng 1, Mỹ có tham vọng xây dựng một tuyến đường cao tốc dài 473 km giữa thủ đô Nairobi và thành phố cảng Mombasa của Kenya. Nó sẽ chạy song song với Đường sắt Tiêu chuẩn 3,2 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ.

Khi Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đến thăm Nhà Trắng vào năm 2018, ông và Trump đã ra tuyên bố chung hoan nghênh đề xuất làm dự án này của công ty xây dựng và kỹ thuật Bechtel Corporation của Mỹ.

Nhưng vấn đề là Bechtel và Kenya không thống nhất được các điều khoản tài chính. Bechtel đã từ chối đề xuất của chính phủ Kenya về việc xây dựng đường cao tốc và thu phí cao tốc để thu hồi tiền. Thay vào đó, Bechtel thúc đẩy chính phủ Kenya bỏ tiền trực tiếp cho dự án này.

Thực tế thì mô hình đối tác công tư (PPP) bị công ty Mỹ từ chối là hình thức hợp tác phổ biến của các nhà thầu Trung Quốc. Tại Kenya, tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đang xây dựng một tuyến đường cao tốc dài 27,1 km với trị giá 668 triệu USD sẽ nối sân bay chính của đất nước và trung tâm Nairobi. Và họ sẽ thu hồi vốn đầu tư bằng cách thu phí thu phí cao tốc trong 27 năm.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, các mô hình tài trợ truyền thống như đã thấy trong đề xuất làm đường cao tốc Kenya có nguy cơ khiến B3W khó cạnh tranh với BRI.

Chuyên gia Tim Zajontz thuộc Trung tâm Chính trị Quốc tế và So sánh tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, nhận định rằng các công ty Trung Quốc còn lợi thế "cực kỳ cạnh tranh về chi phí" trong thị trường xây dựng và cơ sở hạ tầng châu Phi vì chi phí huy động thấp hơn và tầm nhìn đầu tư dài hơn. "Vì vậy, đánh bại các công ty Trung Quốc trong vấn đề giá cả là một thách thức đối với các công ty phương Tây", ông nói.

Theo ông Zajontz, kết quả hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow đã chỉ ra rằng, B3W hiện là chiến lược trọng tâm của chính quyền Biden trong nỗ lực "làm xanh thế giới" dưới sự lãnh đạo của Mỹ. "Việc chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ là một công việc trị giá hàng nghìn tỷ USD trong những thập niên tới", ông nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm