1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tranh cãi các dự án đổi tài nguyên châu Phi lấy hạ tầng từ Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nước châu Phi đã ký các thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc để đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng, bất chấp nguy cơ về môi trường và khủng hoảng nợ.

Tranh cãi các dự án đổi tài nguyên châu Phi lấy hạ tầng từ Trung Quốc - 1

Mỏ đồng ở Congo được Trung Quốc hợp tác khai thác (Ảnh: Reuters).

Theo SCMP, tại Congo, Tổng thống Felix Tshisekedi gần đây đã ra lệnh đàm phán lại thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD giữa Gecamines, công ty khai thác mỏ do nhà nước Congo sở hữu, với một nhóm các công ty Trung Quốc do Sinohydro dẫn đầu và Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc để phát triển các mỏ đồng và coban tại Congo.

Congo cho rằng họ không được hưởng lợi nhiều từ thỏa thuận này, trong khi Bắc Kinh tuyên bố đã xây dựng một số dự án ở quốc gia Trung Phi bất chấp những trở ngại, bao gồm việc thiếu điện để khai thác mỏ.

Một dự án tương tự khác là hợp đồng đổi bô-xít lấy cơ sở hạ tầng ở Ghana. Theo thỏa thuận, công ty nhà nước Trung Quốc Sinohydro đã đồng ý đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào mạng lưới cơ sở hạ tầng tại Ghana như đường sá, nhà ở và điện khí hóa nông thôn.

Đổi lại, Ghana sẽ sử dụng số tiền kiếm được từ việc bán bô-xít, bô-xít tinh luyện và nhôm để trả các khoản vay. Ghana cũng đồng ý thiết lập một tài khoản ký quỹ ở nước ngoài để nhận doanh thu từ việc bán bô-xít.

Theo bản đánh giá hồi tháng 6 của nhà nghiên cứu Luis Scungio tại Trung tâm Nghiên cứu về các Tập đoàn đa quốc gia, những thỏa thuận trên "phản ánh nền kinh tế kém phát triển của một số nước, vốn sở hữu nguồn tài nguyên đáng kể, cùng với nhu cầu về đường sá, năng lượng, nhà máy điện, trường học và các cơ sở hạ tầng khác".

Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc thiếu tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có nhiều kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, chính Trung Quốc cũng từng ký các thỏa thuận tương tự vào những năm 1980, khi Nhật Bản cần nguyên liệu thô và dầu từ một đất nước Trung Quốc còn kém phát triển.

"Trung Quốc đã nhân rộng mô hình này ở châu Phi, dùng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng để đổi lấy các nguồn tài nguyên khác nhau", nhà nghiên cứu Scungio nhận định.

Ông Scungio cho biết cả hai trường hợp của Congo và Ghana đều có liên quan tới cáo buộc hủy hoại môi trường. Sicomines, công ty liên doanh Trung Quốc - Congo phát triển mỏ đồng và coban, trước đây từng bị cáo buộc xả hóa chất xuống sông, ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư ở hạ lưu vốn sống phụ thuộc vào nguồn nước.

Trong khi đó tại Ghana, dự án bô-xít cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi gay gắt vì nơi khai thác bô-xít là rừng Atewa - khu dự trữ rừng đa dạng sinh học và là nguồn chính của 3 con sông lớn cung cấp nước cho 5 triệu người dân, bao gồm thủ đô Accra, cách khu rừng 90 km. Rừng Atewa cũng là nơi sinh sống của nhiều loài cây và động vật quý hiếm và các nhà hoạt động mong muốn nó trở thành công viên quốc gia hơn là nơi khai thác mỏ bô-xít.

Từ năm 2017, các phong trào phản đối khai thác bô-xít ở Atewa đã nổ ra. Dự án đã vấp phải sự phản đối của các nhà nghiên cứu và các nhà bảo tồn vì cho rằng việc khai thác tài nguyên ở các khu rừng quan trọng sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng về môi trường và xã hội. Nhiều ý kiến thậm chí so sánh việc khai thác bô-xít ở Atewa là khoản thanh toán một lần vì chính phủ không thể mang khu rừng ban đầu trở lại.

Theo SCMP, một số lãnh đạo đối lập ở Ghana đã mô tả dự án bô-xít với Trung Quốc là một thất bại, vì không có con đường nào được xây dựng tại Ghana sau 3 năm kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Họ cũng cảnh báo thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD giữa Ghana và Sinohydro sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần.

Thỏa thuận gây tranh cãi

Tranh cãi các dự án đổi tài nguyên châu Phi lấy hạ tầng từ Trung Quốc - 2

Hồ được sử dụng để thu gom nước thải từ mỏ bô-xít Awaso ở Ghana vào năm 2019 (Ảnh: Thomas Cristofoletti/Ruom).

Nhà nghiên cứu David Landry tại Đại học Duke cho biết một vấn đề lớn đối với thỏa thuận ở Congo, cũng như các thỏa thuận tương tự ở Angola và Guinea, là sự thiếu minh bạch đã "thúc đẩy suy đoán về việc ai, Trung Quốc hay các nước châu Phi, sẽ được hưởng lợi từ các thỏa thuận". Vấn đề này đặc biệt đáng chú ý trong trường hợp của Congo vì thỏa thuận được ký kết ngay sau cuộc bầu cử Congo năm 2006 và gắn chặt với những lời hứa tranh cử của cựu tổng thống Joseph Kabila.

"Điều này khiến nhiều người tin rằng thỏa thuận được đàm phán từ vị thế yếu kém của chính phủ Congo", chuyên gia Landry cho biết.

Nhà phân tích Christian-Geraud Neema cho rằng, yếu tố bầu cử là vấn đề cần được xem xét trong cả hai thỏa thuận ở Ghana và Congo. Trong trường hợp của Ghana, Tổng thống Nana Akufo-Addo đã hứa hẹn rất nhiều với thỏa thuận bô-xít, được cho là sẽ giúp Ghana lấp đầy phần thiếu hụt về cơ sở hạ tầng.

"Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông ấy cần để lại một di sản chính trị cho bản thân ông ấy và đảng của ông ấy. Vì vậy, ông ấy có động cơ chính trị khẩn cấp để thông qua thỏa thuận với hy vọng về những kết quả tích cực rõ ràng", chuyên gia Neema nhận định.

Trong trường hợp của Congo, chuyên gia Neema cho biết Tổng thống Tshisekedi đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Do vậy, việc thúc đẩy để có thêm kết quả từ thỏa thuận Sicomines với Trung Quốc là một trong những cách khả thi để ông ấy đạt được kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trước cuộc bầu cử vào năm 2023.

"Chúng tôi thấy cả hai chính phủ đều có động cơ chính trị để thúc đẩy những thỏa thuận đó thành công", chuyên gia Neema cho biết.

Theo Neema, bất chấp những thách thức, "Trung Quốc là cường quốc duy nhất có ý chí và động lực về tài chính, kỹ thuật và chính trị để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở châu Phi".

"Các nước châu Phi dễ dàng đảm bảo nguồn vốn từ Trung Quốc hơn là từ thị trường quốc tế. Sự bất ổn chính trị và kinh tế của nhiều quốc gia châu Phi giàu tài nguyên làm tăng chi phí cho vay đối với các dự án lớn. Chừng nào nguồn vốn từ thị trường phương Tây hoặc quốc tế vẫn đi kèm với các điều kiện về kinh tế và chính trị, mô hình (hợp tác với Trung Quốc) vẫn có tương lai ở châu Phi - nơi có các quốc gia giàu tài nguyên", ông Neema nói.

BBC năm 2018 dẫn báo của Viện Nghiên cứu Nước ngoài (ODI) có trụ sở tại Anh, cho biết, gần 40% các nước châu Phi ở khu vực hạ Sahara đang đối diện với viễn cảnh khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Mối quan hệ giữa các nước châu Phi và Trung Quốc thường được xem như một phần nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo châu Phi có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ mới.

Giới quan sát cho rằng những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do các công ty Trung Quốc triển khai ở châu Phi quá đắt đỏ và đặt lên vai các nước này các khoản nợ quá lớn, không có hy vọng hoàn trả. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố quan hệ kinh tế của họ với các nước châu Phi là đôi bên cùng có lợi, đồng thời bác bỏ những nhận định rằng Bắc Kinh đang sử dụng những khoản nợ để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm