1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ - Trung - Ấn chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal

Thanh Thành

(Dân trí) - Với việc Ấn Độ đang xích lại gần hơn với Nepal, chính phủ mới của Kathmandu đang loay hoay trong nỗ lực cân bằng mối quan hệ với 3 quốc gia và lợi ích cạnh tranh giữa họ.

Mỹ - Trung - Ấn chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal - 1

Một góc thủ đô Kathmandu của Nepal (Ảnh minh họa: Britannica).

Nepal đang là trung tâm của một nỗ lực cân bằng địa chính trị trong khu vực Nam Á, khi các siêu cường trên thế giới cạnh tranh ảnh hưởng ở nước này thông qua các khoản đầu tư lớn vào các lĩnh vực như năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khoảng một năm trước và tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước khác, bao gồm cả Nepal.

Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, người mới nhậm chức vào cuối tháng 12/2022, được đánh giá là có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh.

Với việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt, và một nước láng giềng gần như là Ấn Độ, chính phủ mới của Nepal phải cân bằng các mối quan hệ của mình với tất cả các quốc gia, mỗi quốc gia đều có những lợi ích cạnh tranh riêng.

Thủ tướng Dahal được cả Washington và New Delhi xem là một chính trị gia thân Trung Quốc.

Trong 2 tháng qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland và quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Samantha Power đã đến thăm Nepal để tăng cường ảnh hưởng của Washington ở đó.

Họ đã công bố các khoản đầu tư mới, bao gồm hơn 1 tỷ USD vào năng lượng sạch và khoản tài trợ gần 60 triệu USD để củng cố xã hội dân sự ở Nepal. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nepal với mức thêm 115 triệu USD vào năm ngoái.

Mỹ - Trung - Ấn chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal - 2

Nepal có vị trí chiến lược khi nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Ảnh: Christian Science Monitor).

Tình hình địa chính trị phức tạp thậm chí còn trở nên khó khăn hơn nước láng giềng Ấn Độ "vào cuộc".

Ông Sujeev Shakya, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Nepal, một nhóm chuyên gia tư vấn do khu vực tư nhân lãnh đạo ở Nepal, cho biết: "Mặc dù có các thỏa thuận năng lượng giữa Ấn Độ và Nepal, nhưng rất khó thực hiện vì Ấn Độ không cho phép người Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện để cung cấp năng lượng cho New Delhi và hơn thế nữa".

Mỹ đã viện trợ nhân đạo hàng triệu USD cho Nepal sau trận động đất kinh hoàng vào năm 2015 và đang tập trung đầu tư vào quốc gia này trong dài hạn.

Health Foundation Nepal, một tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký ở cả Mỹ và Nepal từ năm 2013, đã gây quỹ cho các chương trình sức khỏe tâm thần ở vùng nông thôn Nepal. Tổ chức quyên góp 130.000 USD cho nước này sau trận động đất năm 2015.

Trong khi đó, dự án Millennium Challenge Corporation (MCC) trị giá 500 triệu USD có mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển đường xá và tạo điều kiện cho thương mại năng lượng điện xuyên biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Thỏa thuận này đã được ký kết vào năm 2017 và được Nepal phê chuẩn vào năm 2022.

Cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) Prem Sangraula cho biết, đây chỉ là một trong những chương trình mà Washington đang tiến hành ở Nepal và vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc, quốc gia đã cáo buộc Mỹ tiến hành "ngoại giao cưỡng chế".

MCC ban đầu vấp phải sự phản đối của Thủ tướng hiện tại Dahal, mặc dù sau đó ông đã bỏ phiếu phê chuẩn.

Washington hy vọng tạo thế cạnh tranh với Bắc Kinh trong khu vực bằng cách phát triển quan hệ với các nước Ấn Độ -Thái Bình Dương, các nước châu Á lại không muốn bị buộc phải chọn bên, trong đó có Nepal.

Theo CNA