Mỹ trang bị siêu tên lửa khi Nga thử radar
Ngay khi Nga công bố thử thành công radar siêu đường chân trời trên hạm, Mỹ đã đáp trả bằng kế hoạch tích hợp tên lửa đường chân trời lên tàu LCS.
Lộ siêu tên lửa trên tàu LCS
Thông tin này được trang USNI dẫn tuyên bố của Chuẩn đô đốc Peter Fanta thuộc Hải quân Mỹ cho biết việc lắp đặt tên lửa vượt đường chân trời lên tàu chiến đấu ven biển (LCS) "hoàn toàn đáp ứng nhu cầu" của Hải quân Mỹ. Bất chấp những khó khăn trong giải ngân giữa năm tài khóa, đội ngũ kỹ sư hải quân Mỹ đã dày công nghiên cứu để các tên lửa này có thể vận hành trên boong tàu LCS.
Tên lửa vượt đường chân trời là loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn xa từ hàng trăm đến hàng nghìn km, có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm ngoài đường chân trời trên biển nhờ hệ thống radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu hiện đại.
Đô đốc Fanta cho biết: "Đội ngũ của chúng tôi cần thời gian để tìm hiểu xem boong tàu cần gia cố như thế nào, và góc độ của bệ phóng ra sao khi bố trí tên lửa trên tàu LCS. Tất cả những gì tôi có thể tiết lộ là họ đang tính toán".
Hải quân Mỹ dự tính sẽ lắp đặt tên lửa lên tàu LCS vào cuối 2016, để đảm bảo tên lửa và tàu chiến LCS sẽ có độ kết nối hơn so với lần diễn tập bắn tên lửa tấn công NSM của công ty Kongsberg, Na Uy sản xuất từ tàu chiến đấu ven biển USS Coronado (LCS-4), theo ông Fanta.
"Tôi đang xem xét một loạt tên lửa, không chỉ tên lửa NSM của Na Uy mà cả tên lửa Harpoon và một vài loại tên lửa khác để tích hợp vào hệ thống tác chiến", ông Fanta nói.
Tàu LCS Independence với tên lửa NSM tại triển lãm Sea-Air-Space.
Nguyên nhân khiến Mỹ muốn tích hợp tên lửa NSM lên tàu LCS là bởi hải quân nước này đã căn cứ vào kết quả thử nghiệm của loại tên lửa của Na Uy. Theo giới thiệu của Đô đốc Hải quân Na Uy, ông Tony Schei tên lửa NSM có thể phân biệt và nhận dạng được từng hình dáng của những tàu chiến riêng lẻ, cho phép nó tự động bỏ qua các mục tiêu dân sự như tàu cá, tàu hàng... để lựa chọn ra một tàu chiến của đối phương và tấn công phá hủy.
NSM có thể được lập trình để tấn công một con tàu đặc biệt, nhận dạng đúng mục tiêu từ hàng loạt những mục tiêu khác trên biển hay trên đất liền. Loại vũ khí này cũng có thể được điều khiển để bỏ qua những mục tiêu đặc biệt, hoặc bay đến một khu vực và tìm kiếm một mục tiêu trong một vùng biển đã định. Nếu không tìm thấy mục tiêu phù hợp, tên lửa sẽ tự hủy trên biển theo cách an toàn nhất.
Tên lửa NSM có chiều dài 9,7m; trọng lượng nặng 900 pounds (khoảng 408kg) và mang được một đầu đạn nặng 240 pounds (108kg). Đạn tên lửa được đặt trong những hộp phóng riêng lẻ để có thể cất giữ luôn trong đó trong thời gian 10 năm mà không cần bảo dưỡng. "Vì thế,chúng tôi đã giữ tên lửa trong các hộp phóng suốt hơn 2 năm qua, và chúng vẫn chạy tốt", ông Schei nói.
Các hộp phóng cho tên lửa NSM có thể được sửa đổi thành rất nhiều kiểu khác nhau, từ việc lắp đặt một và hai cho đến 6 hoặc 8 chiếc liền nhau, tùy theo cấu hình. Như tại triển lãm Sea-Air-Space, Kongsberg đã giới thiệu 2 mô hình nâng cấp tàu chiến ven biển (LCS) của Hải quân Mỹ với tên lửa chống hạm NSM. Trong đó, ở tàu chiến LCS lớp Freedom sẽ được trang bị tổng cộng 12 tên lửa NSM, còn ở tàu chiến LCS lớp Independence được trang bị 6 tên lửa bố trí sau tháp pháo.
Ngoài ra, một biến thể tên lửa NSM trong các bệ phóng trên xe cơ động mặt đất cũng đã được Hải quân Na Uy đưa vào sử dụng. Kongsberg cũng đang phát triển một biến thể khác với kích thước nhỏ gọn hơn với tên gọi Joint Strike Missile (JSM) để có thể tích hợp lên máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mà Không quân Na Uy mua của Lầu Năm Góc.
Kongsberg cũng nhận thấy rằng tên lửa JSM của họ có thể tích hợp vào hệ thống các ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) Mk41, họ đang đề xuất thêm giải pháp như vậy cho các tàu chiến của Australia và Canada sử dụng.
Ý tưởng lắp đặt tên lửa vượt đường chân trời lên tàu LCS đưa ra theo nghiên cứu khuyến nghị xây dựng một đội tàu khu trục nhỏ được nâng cấp bọc giáp và tăng cường vũ khí trên nền tảng LCS. Hải quân Mỹ đang phát triển hạm đội tàu chiến đấu ven biển hiện đại, tuy nhiên những con tàu có khả năng cơ động cao này lại bị chỉ trích là thiếu hỏa lực cần thiết cho các hoạt động đối kháng trên biển.
Trong tháng 12/2014, hải quân Mỹ đã tuyên bố sẽ nâng cấp hệ thống vũ khí, bọc giáp và bộ phận cảm biến trên các tàu LCS để biến nó thành một tàu tác chiến mặt nước nhỏ uy lực hơn. Ý tưởng này cũng phù hợp với tầm nhìn của ông Fanta về việc tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ của hải quân Mỹ cần tham gia tác chiến đối kháng trên biển trong tương lai.
Việc bổ sung tên lửa vượt đường chân trời vào hệ thống vũ khí trên tàu LCS sẽ giúp cho các tàu này phát huy ưu thế nhỏ gọn và chạy với vận tốc tối đa 74 km/h để tấn công đối phương từ nhiều hướng khác nhau.
Nga trang bị siêu radar
Dù kế hoạch tích hợp tên lửa siêu đường chân trời lên tàu LCS đã được Mỹ nung nấu từ lâu, tuy nhiên Mỹ lại chọn thời điểm Nga vừa thử nghiệm thành công hệ thống radar siêu đường chân trời trên hạm để công bố chính thức cho thấy rõ dụng ý của Mỹ.
Theo cơ quan báo chí thuộc Hạm đội Caspian (Nga), lực lượng này vừa tiến hành thử nghiệm thành công một hệ thống radar vượt đường chân trời tối tân. Thử nghiệm đã được tiến hành song song với các cuộc diễn tập của Hạm đội Caspian trên vùng biển phụ trách.
Hệ thống radar mới mà Hạm đội Caspian vừa thử nghiệm có tên Podsolnukh (từ có nghĩa là Hoa Hướng Dương). Lực lược Quân khu miền Nam của Nga cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin này. Trong một thông báo, bộ phận báo chí của quân khu Nam của Nga cho biết:
"Mục đích của các cuộc diễn tập vừa qua là để thử nghiệm khả năng và mức độ hợp nhất, tương tác của các trạm chỉ huy trên tàu chiến của hạm đội Caspian. Radar mới có khả năng phát hiện, theo dõi các mục tiêu trên biển và trên không".
Trong diễn tập, Nga đã sử dụng hệ thống Podsolnukh phát hiện ra 4 máy bay chiến đấu ném bom Su-24 được sử dụng làm quân xanh trong thử nghiệm.
Hệ thống Podsolnukh đã chuyển thông tin quét được cho khinh hạm tên lửa Dagestan đang cơ động trên Biển Caspian để phát động tấn công. Tham gia các cuộc diễn tập còn có các tàu tên lửa Grad Sviyazhsk, Uglich, và Veliky Ustyug.
Hệ thống radar vượt đường chân trời Podsolnukh là hệ thống cảnh báo tối tân cho tàu chiến hải quân, nó có thể phát hiện các mục tiêu bay tầm xa, cách vị trí triển khai radar hàng ngàn km vượt đường chân trời - khả năng hoàn toàn không thể có đối với các hệ thống radar thông thường.
Ngoài khả năng tầm xa, Podsolnukh có thể theo dõi chặt các mục tiêu tầm gần hoạt động trong khoảng 450 km trở lại.
Với khả năng này, việc Mỹ tích hợp tên lửa đường chân trời lên chiến hạm LCS sẽ không thực sự gây bất ngờ với Nga nếu Mỹ phát động tấn công, bởi ngay khi tàu Mỹ chưa kịp khai hỏa thì chiến hạm Nga đã nắm rõ hành trình và động thái của Mỹ từ khoảng cách cả trăm km.
Theo Chúc Sơn (tổng hợp)
Đất Việt