Mỹ tính thuế quan đối ứng với 180 đối tác thương mại dựa trên căn cứ nào?
(Dân trí) - Mỹ công bố danh sách thuế quan đối ứng với hơn 180 nước/đối tác dường như dựa trên mức thâm hụt thương mại của từng quốc gia với Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).
Khi công bố danh sách thuế quan nhắm vào hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhấn mạnh rằng mức thuế của từng bên là đối ứng. Theo ông, con số mà Washington đưa ra phản ánh các rào cản mà các đối tác từ lâu đã áp dụng đối với hàng hóa Mỹ.
Ông không nói nhiều về phương pháp tính toán đằng sau những con số đó, nhưng một giải thích có thể đã xuất hiện vào cuối ngày 2/4. Mức thuế mới của mỗi quốc gia dường như được tính theo công thức sau: Lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với mỗi quốc gia/đối tác và chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia/đối tác đó vào Mỹ.
Sau đó, vì ông Trump nói rằng mình đang "nhân nhượng", con số thuế quan cuối cùng áp dụng lên các đối tác thương mại sẽ bị giảm đi một nửa so với mức nói trên.
James Surowiecki, một nhà báo tài chính và tác giả sách, là người đầu tiên chỉ ra cách tính này trong một bài đăng trên mạng xã hội X. Bình luận của ông đã gây ra nhiều suy đoán, đặc biệt là khi trước đó ông Trump tuyên bố mức thuế của mỗi quốc gia sẽ là tổng hợp của tất cả các loại thuế, rào cản phi thuế quan và các hình thức không công bằng khác mà họ áp dụng lên Mỹ.
Những rào cản phi thuế quan này bao gồm một loạt luật và chính sách khó định lượng mà ông Trump coi là nguyên nhân chính khiến Mỹ gặp phải tình trạng mất cân bằng thương mại với các đối tác.
Trong một cuộc họp báo trước đó, các quan chức Nhà Trắng cho biết các con số được tính toán bởi Hội đồng Cố vấn Kinh tế dựa trên các phương pháp đã được thiết lập.
Một quan chức bổ sung rằng mô hình này được xây dựng trên quan điểm rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia nhất định chính là tổng hợp của tất cả các hành vi thương mại "không công bằng" mà nước đó thực hiện với Mỹ.
Sau đó, Nhà Trắng đã làm rõ phương pháp tính toán trong một bài đăng. Mặc dù có sử dụng một số ký hiệu toán học, nhưng bài đăng xác nhận rằng công thức này về cơ bản dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia.
"Việc xác định một mức thuế đối ứng thực sự chính xác luôn là một bài toán khó", Emily Kilcrease, giám đốc Chương trình Năng lượng, Kinh tế và An ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới và cựu phó trợ lý đại diện thương mại Mỹ, cho biết.
"Với mong muốn có kết quả nhanh chóng, có vẻ như họ đã đưa ra một phương pháp ước tính phù hợp với các mục tiêu chính sách của họ", bà nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi về cách tính này, cho rằng thuật ngữ "thuế quan" là không phù hợp trong tình huống này, nếu chỉ dựa vào thâm hụt thương mại, chứ chưa nói đến việc gọi chúng là "thuế quan đối ứng".
"Những con số đó không phải là thuế quan", nhà kinh tế Kimberly Clausing viết trong một bài bình luận trên mạng xã hội.
"Liên minh châu Âu, chẳng hạn, có mức thuế trung bình theo trọng số khoảng 3% và có thể còn thấp hơn đối với hàng hóa Mỹ. Vì vậy, rõ ràng Mỹ đang tính cả thuế giá trị gia tăng và ai biết liệu còn gì nữa? Khái niệm đối ứng này có vẻ không chính xác lắm", bà nhận định.