Mỹ thua trong nước cờ Putin rút quân khỏi Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân khỏi Syria khiến cả Tổng thống Barrack Obama cũng bất ngờ, lực lượng tình báo Mỹ bái phục.
Sau tuyên bố hôm 14/3 của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sẽ rút gần hết các lực lượng quân sự tại Syria về nước, không những làm cả thế giới ngạc nhiên mà có lẽ cũng khiến Tổng thống Mỹ bất ngờ.
Có lẽ việc "bắt bài" nhau dựa trên các thông tin có cơ sở như tình báo là điều mà mỗi Tổng thống thường xuyên làm. Song việc nắm bắt tâm lý một cựu tình báo kỳ cựu từ thời Chiến tranh lạnh như Tổng thống Nga đã khiến tình báo Mỹ nhiều lần bó tay. Lần này có lẽ không ngoại lệ.
Chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ Gregory Treverton từng chia sẻ với hãng thông tấn NPR của nước này rằng ông Putin khó đoán đến nỗi ngay cả các cố vấn thân cận cũng không hề biết ông đang suy tính điều gì.
“Putin luôn coi mình là một cá thể tách biệt. Rất hiếm khi ông ấy tính toán sai lầm và làm một điều gì sốc nổi bộc phát. Mọi thứ đều nằm gọn trong suy nghĩ. Thậm chí đến ngay cả hành động của chính bản thân còn là một điều 'bí ẩn' với ông ấy”, vị Chủ tịch nói.
Không chỉ ông Treverton, Cựu chỉ huy trưởng của lực lượng NATO từ 2009-2013 Đô đốc James Stavridis cũng cho biết ông Putin khác xa so với việc ông thể hiện ra ngoài.
“Chắc chắn ngài ấy luôn có một đội cố vấn hùng hậu thân cận phía sau, đưa ra ý kiến nhận xét các vấn đề quan trọng. Nhưng đến cuối cùng, các quyết định chiến lược đó sẽ không thể hiện ngay trên bàn họp, mà nó chỉ nằm đâu đó trong bộ não siêu việt của ngài ấy”, ông Stavridis nhận định.
John McLaughlin – Giám đốc hành động của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (2004) nhận định: “Nga sở hữu khả năng chống hoạt động tình báo khá mạnh. Và đặc biệt ông Putin lại còn là bậc thầy trong lĩnh vực này. Trợ lý, cố vấn thân cận hay được ông chia sẻ, giao phó các công việc hệ trọng đều là những cựu điệp viên KGB. Họ thận trọng trong việc liên lạc, tạo thành mối liên kết kín”.
Những nhận định của vị Chủ tịch Gregory Treverton đã cho thấy một phần nào khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng như đơn vị tình báo của các quốc gia khác.
Điều này thể hiện rõ trong thực trạng Mỹ và các nước đồng minh không hề phát hiện ra đường đi nước bước của Tổng thống Nga khi giải quyết căng thẳng ở Crimea và đặc biệt là tuyên bố rút quân khỏi Syria mới hôm qua 14/3.
Song đồng thời, nó cũng khẳng định một điều khó chối cãi đó là đẳng cấp được thể hiện trong suy nghĩ và giải quyết công việc của vị Tổng thống Nga, trong 17 năm nắm giữ vai trò Thủ tướng và Tổng thống, một cựu tình báo Liên Xô KGB từng được giao nhiệm vụ do thám phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh tại Dresden (Đông Đức).
Ngay trong sự vụ Nga thực hiện rút quân khỏi Syria, việc ra quyết định này của Tổng thống Nga có lẽ đã từng được Mỹ dự liệu song không khỏi ngỡ ngàng khi nó được đưa ra ở thời điểm này.
Mạng tin Politico cho rằng, Nhà Trắng tỏ ra bất ngờ trước tuyên bố nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Nga đã hoàn thành và bây giờ là thời điểm phần lớn lực lượng quân sự Nga tại Syria rút về nước của ông chủ Điện Kremlin.
Giới chức Mỹ cho biết họ đang thu thập thêm thông tin về thông báo trên. Riêng Tổng thống Obama vẫn cho có phản ứng gì.
Có thể ông đang thất vọng vì một lần nữa các nhà phân tích và tình báo Mỹ không lường trước được hành động của Nga, tương tự như lần Moscow sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014 và quyết định can thiệp quân sự vào Syria tháng 9 năm ngoái.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, phóng viên hãng tin Bloomberg hỏi Tổng thống Obama rằng có phải ông đã bị nhà lãnh đạo Nga trên cơ ở Syria, ông chỉ trả lời các cuộc không kích của Nga đã chứng tỏ sự yếu kém của Tổng thống Assad.
Còn nhớ, khi Nga mở chiến dịch không kích chống đỡ cho chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ ngày 30-9-2015, Tổng thống Obama nhận định ông Putin đã “bước vào một vũng lầy và sẽ hối tiếc về quyết định của mình”.
Gần đây nhất, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic, ông chủ Nhà Trắng nhận xét Nga đang phải “hoạt động quá công suất” và “bị chảy máu” ở Syria.
Một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Syria do Điện Kremlin công bố cho thấy cả Tổng thống Putin và Tổng thống Assad đều nhất trí rằng quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ ở Syria. Bằng chứng là các tổ chức khủng bố bị thiệt hại đáng kể sau chiến dịch không kích của nước này.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nhận định Nga và các đồng minh đã thay đổi cục diện quân sự trên mặt đất ở Syria, tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị thuận lợi đối với lợi ích của họ.
Thế nên, việc Nga rút quân cũng là một điều hợp lý khi vòng đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Geneva – Thụy Sĩ có thể thay đổi cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở Syria.
Song, có lẽ mọi đồn đoán không thể hiện điều gì khi chuyên gia Andrew Weiss tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nói rằng còn quá sớm để đánh giá về quyết định của Tổng thống Putin vì ông chủ Điện Kremlin thường có những chiêu tung hỏa mù khó đoán.
Lý giải cho động thái của Nga khi tuyên bố rút quân khỏi Syria, Giám đốc hành động của CIA (2004) John McLaughlin cho hay:
“Chẳng hạn có thể nhìn vào sự ảnh hưởng nặng nề của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây đối với Nga. Giá trị đồng ruble luôn luôn ở mức thấp, điều này khẳng định Nga đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính. Việc còn lại là các nhà tình báo là phải phán đoán bước đi tiếp theo của Tổng thống Putin trong việc giải quyết khủng hoảng này”.
Theo Huy Vũ (Tổng hợp)
Đất Việt