1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rút quân về trong thế thắng

(Dân trí) - Việc rút quân bất ngờ sau một thời gian can dự ngăn ngủi của Nga tại Syria được cho là nhằm giảm gánh nặng ngân sách sau khi đã hoàn thành các mục tiêu, đánh dấu tầm ảnh hưởng của Nga tại Syria nói riêng và tại Trung Đông nói chung.


Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Ngày 14/3, Tổng thống Nga Putin đã bất ngờ ra lệnh rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Syria với lý do các mục tiêu đặt ra “nhìn chung đã hoàn thành”. Ông Putin hy vọng động thái này sẽ khuyến khích tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình. Giới phân tích cho rằng, cùng với mệnh lệnh rút quân, ông Putin đã truyền đi thông điệp về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Giới quan sát nhận định, với sự can thiệp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang và lực lượng yêu nước Syria đã đạt được sự chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động trong hầu hết các khía cạnh. Lực lượng của Nga gần như đã hoàn thành các mục tiêu tại Syria.

Hơn 5 tháng tiến hành chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Nga đã đạt được thành quả rõ ràng: “Với sự hỗ trợ của không quân Nga, các lực lượng Syria đã giải phóng được 400 khu vực dân cư đông, và hơn 10.000 km2 lãnh thổ”. Những phần tử khủng bố bị đẩy lùi khỏi Latakia, Aleppo, và thành cổ Palmyra.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Shoigu cho biết, Không quân Nga đã tiến hành hơn 9.000 cuộc xuất kích ở Syria kể từ tháng 9 năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên các cuộc không kích quy mô lớn tầm xa trên 1.500 km với các tên lửa phóng từ tàu chiến và trên không được tiến hành.

Máy bay Su-34 của Nga trở về căn cứ ở khu vực Voronezh. (Ảnh: Sputnik)
Máy bay Su-34 của Nga trở về căn cứ ở khu vực Voronezh. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Putin đã thông báo cho Tổng thống Assad về quyết định của Moscow. Quyết định rút quân đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ có sự tham gia của các bên tham chiến ở Syria nối lại ở Geneva.

Theo các chuyên gia, khi mà Moscow đã đạt được những mục tiêu chính trị quan trọng thì việc rút quân cũng là hoàn toàn hợp lý. “Chiến dịch can thiệp quân sự không những giúp củng cố chính quyền Assad mà còn đem lại nhiều lợi thế cho Nga trên bàn đàm phán với phương Tây”.

Rút quân về trong thế thắng, ông Putin ngầm tuyên bố với thế giới rằng: “Hai thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn có khả năng duy trì ảnh hưởng của mình kể cả ở những nơi cách xa hàng nghìn km”. Sức mạnh quân sự của Nga, xứng đáng là “một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trên trường quốc tế”.

Gửi đi một thông điệp

Theo giới phân tích, quyết định rút quân của Nga được cho là khá khôn ngoan, bởi cùng lúc sẽ giải quyết được 2 vấn đề cả đối ngoại và đối nội. Động thái cho thấy thiện chí của Moscow trong việc duy trì lệnh ngừng bắn ở Syria do Nga và Mỹ bảo trợ không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động. Giờ đây phe đối lập không còn lý do để công kích và đưa ra các yêu sách tại bàn đàm phán.

Động thái này còn giúp Nga gửi “tín hiệu” tới Tổng thống Assad rằng, sự trợ giúp của lực lượng quân sự Nga không phải là vô hạn. Chính vì vậy, chính quyền Syria cần phải tìm được tiếng nói chung với phe đối lập hoặc sẽ phải độc lập tác chiến.

Nga cũng đồng thời gửi tín hiệu tới Mỹ, phương Tây, các nước Trung Đông rằng, Nga không có ý định biến Syria thành “cái cớ” cho việc khôi phục ảnh hưởng của Nga tại đây như thời Liên Xô. Điều này còn làm giảm bớt sự nghi ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh do việc Nga can thiệp quân sự vào khu vực.

Với quyết định rút quân, điện Kremlin một lần nữa chứng minh Nga rất tinh tế trong việc đưa ra quyết định về chính sách đối ngoại mà không cần phải kéo dài sự phô trương sức mạnh quân sự. Nga vẫn cho thế giới thấy rằng họ là một đối tác có ảnh hưởng nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria khi họ hành động dứt khoát và kiên định mục tiêu.

Ngay từ những ngày đầu tiến hành chiến dịch không kích IS tại Syria, nhiều người Nga lo ngại họ sẽ lặp lại “cuộc chiến Afghanistan” khi quân đội Liên Xô đã bị “sa lầy” ở đó trong nhiều năm và can dự vào một cuộc chiến tranh đẫm máu, không cần thiết.

Chính vì vậy, việc Tổng thống Putin ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tương tự như vậy ở Syria sẽ nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội Nga. Ngoài ra, một lý do khác là để giảm gánh nặng ngân sách được cho là phù hợp trong thời điểm hiện nay.

Hiệu ứng lan tỏa

Quyết định rút quân được đưa ra chỉ một ngày sau khi các quan chức Nga và EU tổ chức phiên họp bàn về giải pháp hòa bình mới cho Syria. Tuy diễn biến ở Syria không liên quan trực tiếp tới các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng với thành công của Nga ở Syria, Mỹ và EU chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại việc trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine.

Giời đây, Mỹ và phương Tây sẽ rất khó đổ lỗi cho Nga về việc gây ra bất ổn ở Ukraine vì can thiệp vào tình hình khu vực. Vì thế, Nga có thể hy vọng vào một tương lai không xa mà ở đó các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc thỏa thuận “chấm dứt thù địch” cho Syria do Nga - Mỹ bảo trợ, được áp dụng từ ngày 26/2, đến nay vẫn đứng vững khiến triển vọng về một giải pháp chính trị lâu dài giúp chấm dứt nội chiến ở Syria càng trở nên hiện thực hơn. Vì thế, “mọi thứ đều có vẻ rất khả quan kể từ sau nước đi mới nhất của Nga”.

Mặt khác, với quyết định rút quân, ông Putin mong muốn san bớt gánh nặng Syria cho một liên minh toàn cầu do LHQ bảo trợ. Đó là điều mà ông đã kêu gọi trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ năm ngoái rằng Nga đã đạt được các mục tiêu cơ bản ở chiến trường Syria và muốn giảm áp lực chi phí đang tác động không nhỏ đến kinh tế Nga.

Vì thế, khi tuyên bố chiến thắng và rút các binh sĩ Nga về nước an toàn, ông Putin chắc chắn sẽ lại nhận được những lời ca ngợi của người dân và truyền thông trong nước.

Việc rút quân khỏi Syria một phần là nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nga. (Ảnh: AFP)
Việc rút quân khỏi Syria một phần là nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nga. (Ảnh: AFP)

Như vậy, việc Nga rút lực lượng quân sự tại Syria là động thái có ý nghĩa chiến lược và sách lược, nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế… mà vẫn giữ được cán cân lực lượng ở Syria có lợi cho ông Assad.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, thông qua đàm phán Tổng thống Assad có thể sẽ tiếp tục nắm quyền ở Syria, nhưng phải tiến hành các cuộc cải cách lớn và chia sẻ quyền lực với phe li khai và phải chấp nhận thành lập một chính phủ liên minh có sự tham gia của phái đối lập.

Quang Huy