1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mã quyết định bất ngờ rút quân khỏi Syria của ông Putin

(Dân trí) - Tuyên bố sẽ rút phần lớn quân khỏi Syria từ ngày 15/3 được Tổng thống Nga Putin đưa ra đã khiến thế giới bất ngờ. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Nga lại có một “bước đi chiến thuật đầy khôn ngoan”.

Phát biểu với báo giới từ Mátxcơva tối 14/3, Tổng thống Putin đã có một thông báo đầy bất ngờ: “Các nhiệm vụ được giao cho Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang đã hầu như hoàn tất. Do đó, tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng bắt đầu rút phần lớn binh sỹ của chúng ta khỏi nước Cộng hòa Arập Syria”, ông Putin được hãng thông tấn TASS trích dẫn.

Chính quyền của Tổng thống Assad (trái) sẽ phải tích cực hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Putin. (Ảnh: RIA Novosti)
Chính quyền của Tổng thống Assad (trái) sẽ phải tích cực hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Putin. (Ảnh: RIA Novosti)

Theo tờ New York Times, tuyên bố trên nằm ngoài nhận định của các nước phương Tây và cả dân thường Syria. Nó lập tức thổi bùng những đồn đoán về ý định của Nga, tương tự như thời điểm Putin ồ ạt điều quân vào chiến trường Syria cách đây 5 tháng và thay đổi cục diện cuộc nội chiến ở quốc gia này.

Nga không bỏ rơi chính quyền Assad

Nhưng có lẽ những câu hỏi “nóng” nhất lúc này là liệu động thái trên có ảnh hưởng tới kết cục cuộc chiến, và nó có ý nghĩa ra sao với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn từng bị đe dọa nghiêm trọng trước khi Nga tham chiến.

Quyết định của Nga có lẽ đang phát đi tín hiệu về một sự tin tưởng mới vào sự ổn định của chính quyền Assad, hoặc cũng có thể là một động thái gây sức ép buộc vị tổng thống phải ngồi vào bàn đàm phán với các đối thủ chính trị, thậm chí là cả hai yếu tố trên.

Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian được nối lại tại Geneva, nhằm chấm dứt xung đột.

Một cuộc rút quân của Nga sẽ không hoàn toàn khiến các lực lượng của ông Assad đơn độc, bởi họ vẫn còn sự hậu thuẫn của Iran và từ lực lượng Hezbollah tại Li-băng. Đồng thời điện Kremlin cũng khẳng định rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện tại căn cứ không quân mới xây dựng tại ở Latakia, cùng với cơ sở hải quân tại thành phố Tartus, vốn có từ thời Liên Xô cũ.

Với một căn cứ không quân và một cơ sở hải quân, Nga có thể dễ dàng trở lại chiến trường Syria bất kỳ khi nào. (Ảnh: RT)
Với một căn cứ không quân và một cơ sở hải quân, Nga có thể dễ dàng trở lại chiến trường Syria bất kỳ khi nào. (Ảnh: RT)

Ngoài ra, theo tờ New York Times, không phải lúc nào những tuyên bố của Nga cũng đi đôi với hành động. Tại miền đông Ukraine, các lực lượng ly khai được Mátxcơva hậu thuẫn vẫn tiếp tục giao tranh dù Nga đã tuyên bố tuân thủ hiệp ước hòa bình.

“Tôi thực sự hoài nghi việc Mátxcơva đang từ bỏ ông Assad”, Andrew J. Tabler, một học giả tại Viện Chính sách Cận Đông Washington cho biết. Thay vào đó, chuyên gia này tin rằng tuyên bố của Nga dường như nhằm “chuyển gánh nặng quân sự lại cho ông Assad để khiến lập trường của ông ấy trên bàn đàm phán sẽ mềm mỏng hơn”.

Mátxcơva gần đây từng kín đáo bày tỏ sự không hài lòng nhất định. Trong 2 tuần qua, ông Assad và các cố vấn từng có những tuyên bố đi chệch đáng kể khỏi những mục tiêu Nga đặt ra cho các cuộc đàm phán hòa bình. Mới đây nhất hôm 12/3, ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem khẳng định sự lãnh đạo của ông Assad là “ranh giới đỏ”, và sẽ không bàn luận gì về việc tổ chức bầu cử tổng thống.

Bước đi của Nga đồng thời có thể cho thấy ông Putin giờ hết sức tin tưởng vào sự ổn định của chính quyền Assad, và đã đến lúc Nga lùi lại.

Nga đã đạt mục tiêu chính trị tại Syria

Cho đến nay, ông Putin đã đạt được nhiều mục tiêu chính trong chiến dịch tại Syria, như đưa nước Nga trở lại trung tâm sân khấu chính trị với tư cách một cường quốc thế giới, ngăn chặn, về nguyên tắc, một nỗ lực thay đổi chính quyền của các cường quốc bên ngoài nhắm vào Syria, nhất là các nước phương Tây. Nga cũng đã gia tăng được sự hiện diện tại Syria, tấn công các phần tử Hồi giáo cực đoan, thánh chiến người Nga tại Syria, và củng cố chính quyền của ông Assad.

Với chiến dịch tại Syria, Putin đã khiến Mỹ và các nước phương Tây phải trở lại bắt tay Nga, sau khi quan hệ đổ vỡ vì vấn đề Ukraine. (Ảnh: AP)
Với chiến dịch tại Syria, Putin đã khiến Mỹ và các nước phương Tây phải trở lại bắt tay Nga, sau khi quan hệ đổ vỡ vì vấn đề Ukraine. (Ảnh: AP)

Mùa Hè năm ngoái, vị thế của nhà lãnh đạo Syria dường như đã bị đe dọa, khi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn cùng các phần tử Hồi giáo vũ trang phối hợp hiệu quả hơn, và áp sát các địa bàn thành trì của ông Assad dọc bờ biển. Nhưng sự can thiệp của Nga đã xoay chuyển cục diện cuộc chiến.

Giờ đây, rất nhiều thành quả của phe đối lập đã bị đảo ngược, khi sức mạnh không quân của Nga cắt đứt các tuyến đường tiếp tế trọng yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, cô lập các địa bàn do phe đối lập kiểm soát tại Aleppo, thành phố lớn nhất Syria. Dù điều này chưa thể giúp ông Assad giành lại quyền làm chủ hoàn toàn Syria, nhưng ít nhất nó giúp khôi phục tình thế như thời điểm 2014.

Và hơn nữa, Nga cũng không mất mát gì khi tuyên bố rút quân. Họ có thể dễ dàng nối lại các cuộc không kích từ căn cứ của mình khi cần, và tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Syria cùng các đồng minh khác trên chiến trường

“Mục tiêu của họ là bảo toàn chính quyền ở một dạng nào đó, và đảm bảo rằng Nga sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực, xét về mặt cơ sở hải quân. Và giờ họ còn có cả một căn cứ không quân”, Aleksei Makarkin, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị tại Mátxcơva khẳng định.

Cùng quan điểm trên, nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Golts khẳng định trên tờ Guardian của Anh rằng Putin đã có “một bước đi chiến thuật rất khôn ngoan”.

“Sau những gì diễn ra tại Ukraine, không ai muốn bắt tay với Nga, và mục tiêu của chiến dịch tại Syria là nhằm buộc phương Tây phải nối lại đối thoại. Giờ điều đó đã xảy ra, và họ đang rút ra khỏi cuộc xung đột với tổn thất tối thiểu. Tôi tin đó là một bước đi chiến thuật đầy khôn ngoan”.

Thanh Tùng

Theo NY Times, Guardian