Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Ngày càng có nhiều nhà quan sát và chuyên gia phân tích tin rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sai lầm khi thổi bùng chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều nhà quan sát và chuyên gia phân tích tin rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sai lầm khi thổi bùng chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Theo ông Samuelson, chiến lược và các thủ thuật của chính quyền Trump dùng để đối phó Trung Quốc vô cùng rối loạn. Nếu Tổng thống Trump là một vị tướng đang theo dõi các diễn biến của trận chiến, ông sẽ thấy binh lính dưới quyền của mình đang bị tàn sát, trong khi kẻ thù, dù cũng chịu thương vong, nhưng vẫn kiểm soát được hầu hết các vị trí của họ.
William Reinsch, một chuyên gia về thương mại thuộc tổ chức tư vấn độc lập Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, lãnh đạo Nhà Trắng hiện có 2 mục tiêu. Đầu tiên là giảm thâm hụt thương mại hàng hóa quá lớn của Mỹ so với Trung Quốc, vốn lên tới 419 tỉ USD trong năm 2018. Ông Reinsch lưu ý, đa phần các chuyên gia kinh tế đều giảm nhẹ tầm quan trọng của mục tiêu này. Nếu thâm hụt thương mại suy giảm thông qua các mua bán ngắn hạn từ Mỹ, hiệu ứng có thể biến mất dần theo thời gian.
Mục tiêu thứ hai của ông Trump có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Đó là triệt tiêu các khía cạnh chống cạnh tranh nhất của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc vốn nhằm đưa các công ty Trung Quốc đi đầu thế giới trong hầu hết các ngành công nghệ cao, bao gồm cả robot, dược phẩm, xe tự hành, y sinh, chất bán dẫn và những thứ khác. Ngay tại đây, các cuộc đàm phán song phương đã thất bại.
Washington cáo buộc Bắc Kinh đã gian lận cạnh tranh khi làm lợi cho các công ty trong nước thông qua trợ cấp của chính phủ, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ hoặc ép buộc chuyển giao các công nghệ mới cũng như phân biệt đối xử rõ ràng với những doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.
Một trường hợp điển hình là các sản phẩm chất bán dẫn. Đây là những vi xử lý máy tính tí hon đang thống trị gần như mọi dịch vụ số hóa. Hiện tại, các công ty Mỹ đang là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về thiết kế và công nghệ chất bán dẫn, chiếm tới gần 1/2 tổng doanh thu từ các sản phẩm vi xử lý này của toàn thế giới (46% vào năm 2017), theo dữ liệu từ Hiệp hội công nghiệp chất bán dẫn (SIA).
Báo cáo của SIA cho thấy, các quốc gia khác đều kém xa Mỹ. Các công ty Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2 chỉ với 22% tổng doanh thu chất bán dẫn toàn cầu, tiếp đó là các công ty của Nhật với 10%, Liên minh châu Âu với 9%, Đài Loan (Trung Quốc) 6% và Trung Quốc đại lục 5%.
Mỹ cũng đạt thặng dư thương mại về chất bán dẫn. Mặt hàng này cũng đứng thứ 4 về doanh thu xuất khẩu của Mỹ, sau máy bay, các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô. Năm 2018, thặng dư thương mại của Mỹ về chất bán dẫn đạt 4,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố sẽ mở rộng thị phần toàn cầu của nước này bằng cách xây dựng các nhà máy chất bán dẫn mới cũng như theo đuổi các công nghệ chế tạo vi xử lý tân tiến nhất. Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc rốt cuộc sẽ phải dựa bao nhiêu vào các công nghệ ăn cắp hoặc thu được nhờ cưỡng ép chuyển giao từ các công ty Mỹ. Cuối năm ngoái, Bộ Tư Pháp Mỹ đã truy tố một doanh nghiệp Trung Quốc có tên Fujian Jinhua vì cáo buộc ăn cắp các bí mật thương mại của Micron, một nhà sản xuất vi xử lý lớn của Mỹ.
Ngành công nghiệp chất bán dẫn Mỹ lo ngại, sự bùng nổ của các nhà máy chế tạo vi xử lý được chính phủ Trung Quốc tài trợ sẽ tạo ra sản lượng dư thừa, rốt cuộc dẫn tới nguy cơ giảm giá sản phẩm và lợi nhuận, đẩy những doanh nghiệp nước ngoài không được trợ cấp vào thế bất lợi nghiêm trọng. Chuyên gia Reinsch nói, thực tế này từng xảy ra trong các ngành công nghiệp lâu đời hơn, chẳng hạn như thép.
Các cuộc đàm phán thương mại rõ ràng không đạt mấy tiến triển trong việc giải quyết những vấn đề trên. Trong khi đó, các mức thuế suất nhập khẩu mà Washington mới áp cho hàng hóa Trung Quốc có thể gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ. Cho đến nay, chính quyền Trump đã công bố mức thuế 25% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ cũng như đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với thêm 300 tỉ USD hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nữa. Nếu đe dọa thành hiện thực, Washington sẽ gần như tăng thuế đánh vào mọi mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Câu hỏi then chốt là, ai sẽ hứng chịu gánh nặng giá cả leo thang do các biện pháp tăng thuế? Theo chuyên Gary Hufbauer đến từ Viện Kinh tế học quốc tế Peterson, người tiêu dùng Mỹ rốt cuộc sẽ phải gánh phí tổn nhiều nhất. Thuế đơn giản cũng sẽ được tính vào giá bán cuối cùng của sản phẩm. Ông Hufbauer ước tính, nếu lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 500 tỉ USD bị áp thuế 25%, phí tổn hàng năm của một hộ gia đình gồm 3 thành viên ở Mỹ sẽ là 2.200 USD. Với các mức thuế hiện tại, họ chỉ mất khoảng một nửa số đó. Các tính toán của ông Hufbauer cũng chỉ ra rằng, khi được bảo vệ trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp ở Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng giá sản phẩm nội địa.
Nhiều nhà phân tích nhận định, điều mà nước Mỹ đáng lẽ phải làm là tạo ra một liên minh toàn cầu, quy tụ các nước thương mại lớn gồm bản thân nước này, Liên minh châu Âu (EU), Nhật và các quốc gia phát triển khác. Liên minh đó sẽ tổ chức đàm phán các giới hạn về trợ cấp, việc chuyển giao công nghệ ép buộc và một sân chơi bình đẳng cho cạnh tranh giữa các công ty trong và ngoài nước. Nếu Trung Quốc vi phạm những quy tắc và từ chối tham gia, các quốc gia khác có thể hành động chống lại việc xuất khẩu của nước này.
Đáng tiếc, cách tiếp cận khôn ngoan này hầu như đã bị loại bỏ khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại có thể đã làm được điều đó. Thay vào đó, Mỹ hiện có một hệ thống thông qua việc tăng thuế, áp đặt thứ tương đương đánh thuế vào các công dân Mỹ nhằm triển khai một chính sách thương mại đang có lợi cho Trung Quốc.
Theo Tuấn Anh
Vietnamnet