Mỹ sẽ tái tập trung ưu tiên quân sự để đối phó Trung Quốc?
(Dân trí) - Trong bài phát biểu tại trụ sở NATO mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh mục tiêu tái tập trung các ưu tiên quân sự để đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
![Mỹ sẽ tái tập trung ưu tiên quân sự để đối phó Trung Quốc? - 1 Mỹ sẽ tái tập trung ưu tiên quân sự để đối phó Trung Quốc? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/JfI4lJw-TVuoaIP-nsRbKqr35Eo=/thumb_w/1020/2025/02/14/launamgoc3-1739522117418.png)
Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth phát biểu trong cuộc họp của nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 12/2 (Ảnh: Reuters).
"Mỹ có ý định tái tập trung lại các ưu tiên quân sự để ưu tiên cho việc đối đầu với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bảo vệ đất nước", người đứng đầu Lầu Năm Góc Pete Hegseth nhấn mạnh trong phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên đến trụ sở NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 12/2.
Phát biểu của Bộ trưởng Hegseth lần này là một phần trong hoạt động với loạt chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ tới châu Âu kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Loạt chuyến thăm này cũng bao gồm cuộc gặp của Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị an ninh ở Munich, Đức ngày 14/2.
Theo các chuyên gia quân sự, tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ mới được bổ nhiệm báo hiệu sự thay đổi chính sách quan trọng của nước này: Không còn ưu tiên an ninh châu Âu và không đưa lực lượng quân sự đến Ukraine.
Châu Âu nên tự lo cho chính mình?
Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth đang thúc đẩy các đồng minh hãy tự làm nhiều hơn trong vấn đề an ninh, trong khi trọng tâm của Mỹ sẽ chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vì vậy, ông cũng kêu gọi các đồng minh châu Âu "hãy tự đi đầu" trong vấn đề an ninh của chính họ. Bởi vì theo ông, "chính Mỹ cũng đang đối mặt những mối đe dọa nghiêm trọng đối với lãnh thổ" và "chúng tôi phải và đang tập trung vào an ninh biên giới của chính mình".
Theo ông Hegseth, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga phải chấm dứt, đồng thời nói rằng nhấn mạnh Washington không tin rằng việc kết nạp Kiev vào NATO là kết quả thực tế của giải pháp sau quá trình đàm phán. "Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán", ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng, bất cứ cam kết bảo đảm an ninh nào được cung cấp cho Ukraine phải được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự châu Âu. "Cần phải nói rõ, Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine như một phần của bất kỳ điều khoản đảm bảo an ninh nào", ông Hegseth nói. Theo các chuyên gia, đây được coi là lằn ranh đỏ mà chính quyền Tổng thống Trump vạch ra trong vấn đề giải quyết chiến sự Ukraine
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho rằng việc Ukaine nỗ lực giành lại toàn bộ lãnh thổ như thời điểm trước năm 2014 là "không thực tế". Và ông Hegseth cũng không công bố bất cứ khoản viện trợ mới nào của Mỹ cho Ukraine. "Chúng tôi cũng ở đây hôm nay để bày tỏ trực tiếp và rõ ràng rằng thực tế chiến lược khắc nghiệt ngăn cản Mỹ tập trung chủ yếu vào an ninh của châu Âu", ông nói.
Ông Hegseth nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Trump yêu cầu các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP thay vì 2% và nhấn mạnh rằng Mỹ "vẫn cam kết với NATO và quan hệ đối tác quốc phòng với châu Âu nhưng sẽ không còn chấp nhận mối quan hệ mất cân bằng và phụ thuộc nữa".
Mỹ chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trong bài phát biểu, nội dung gây chú ý là việc Bộ trưởng Hegseth xác định Trung Quốc là thách thức hàng đầu, mô tả nước này là "đối thủ cạnh tranh ngang hàng" có cả khả năng và ý định đe dọa lợi ích quốc gia của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Mỹ đang ưu tiên ngăn chặn đụng độ với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận ra thực tế về sự khan hiếm tài nguyên và thực hiện các đánh đổi về nguồn lực để đảm bảo khả năng ngăn chặn không bị thất bại", ông Hegseth kết luận.
![Mỹ sẽ tái tập trung ưu tiên quân sự để đối phó Trung Quốc? - 2 Mỹ sẽ tái tập trung ưu tiên quân sự để đối phó Trung Quốc? - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/4rLADmqTp2Cdkx44cxkEn_KG-5Y=/thumb_w/1020/2025/02/14/launamgoc-1739521005916.png)
Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth đã tổ chức cuộc họp đầu tiên với các lực lượng Lầu Năm Góc hôm 14/2 (Ảnh: Reuters).
Những phát biểu của Bộ trưởng Hegseth về Trung Quốc cũng cho thấy Mỹ có chiến lược chuyển sự chú ý sang việc bảo vệ biên giới của nước này và ngăn chặn nguy cơ xung đột với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, chính các vấn đề trong nước cũng có thể thúc đẩy chính quyền Tổng thống Trump chuyển hướng tập trung đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong ngày 14/2, Bộ trưởng Hegseth đã tổ chức cuộc họp đầu tiên với các lực lượng của Lầu Năm Góc tại Arlington, Virginia. Trong phiên hỏi đáp với các quân nhân và nhân viên, ông Hegseth đã được hỏi về chiến lược răn đe, đặc biệt là trong bối cảnh các hoạt động "vùng xám" của Trung Quốc, theo biên bản do Bộ Quốc phòng công bố.
Và ông chủ Lầu Năm Góc đã trả lời rằng, "Mỹ không cố gắng khơi mào xung đột hoặc tạo ra xung đột ở nơi mà nếu không có gì xảy ra thì xung đột không cần phải tồn tại".
Ông cũng cam kết "sẽ sát cánh cùng các đối tác của chúng tôi", nhưng nhấn mạnh rằng "một phần của "Nước Mỹ trên hết" là trao quyền cho các đồng minh và đối tác trở thành lực lượng sức mạnh chiến đấu được tăng cường, để tăng thêm năng lực mà chúng ta có" thông qua các cơ chế như quan hệ đối tác quốc phòng và bán vũ khí cho nước ngoài".
Bộ trưởng Hegseth cũng cho biết Mỹ coi "tham vọng của Trung Quốc" là có thật và họ có thể đưa ra "điểm quyết định" về các vấn đề như Đài Loan và rằng "đồng USD sẽ chi phối nhiều về quyết định đó".
Sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã ngày càng gia tăng khi cả hai bên đều mở rộng hiện diện quân sự và kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Washington đã nhiều lần cảnh báo về cái mà họ gọi là mối đe dọa ngày càng tăng do sự gia tăng quân sự và tham vọng trong khu vực này của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng nhấn mạnh lập trường này, tuyên bố rằng việc đối phó Trung Quốc sẽ là trọng tâm chính sách đối ngoại của nước này trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Ông cáo buộc Trung Quốc "gian lận, tấn công mạng và đánh cắp để "đạt được vị thế siêu cường toàn cầu bằng cách gây thiệt hại cho chúng ta".
Ngoại trưởng Rubio cũng chỉ trích các chính sách trước đây của Mỹ cho phép các chuỗi cung ứng quan trọng chuyển sang Trung Quốc, cảnh báo rằng ngành sản xuất của Mỹ đã bị tổn thương. Ông kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cả ngoài khu vực này.
Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định chính Mỹ là lực lượng gây bất ổn chính trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên án nỗ lực của Washington nhằm tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuyên bố đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm "kiềm chế Trung Quốc" và phóng đại câu chuyện về "mối đe dọa từ Bắc Kinh".