Mỹ sẽ đưa tàu ngầm lớn nhất tới Hàn Quốc, gửi tín hiệu "rắn" tới Triều Tiên
(Dân trí) - Mỹ có kế hoạch điều tàu ngầm vũ trang hạt nhân lớn nhất đến Hàn Quốc lần đầu tiên sau 4 thập niên, trong nỗ lực ngăn chặn những mối đe dọa từ Triều Tiên và trấn an đồng minh Seoul.
Các tàu chiến lớp Ohio, được gọi là "boomer", có thể lặn vô thời hạn và thực hiện các cuộc tuần tra kéo dài hàng tháng. Chúng có thể bắn đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu cách xa hàng nghìn km.
Việc triển khai như vậy cũng mang nhiều ý nghĩa, nếu không muốn nói mang rất nhiều thông điệp quan trọng đối với Hàn Quốc.
Việc này cũng sẽ đánh dấu điểm nhấn đáng kể đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ký kết một hiệp định nâng cấp quan hệ đồng minh vào cuối tháng 4.
Theo đó, Seoul tái khẳng định cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Đổi lại, Mỹ đề nghị Hàn Quốc - lần đầu tiên - có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc tham vấn về khả năng sử dụng hạt nhân của Mỹ để đáp trả một cuộc tấn công của Triều Tiên. Washington cũng cam kết sẽ điều động các khí tài chiến lược như tàu ngầm vũ trang hạt nhân và máy bay ném bom B-52 đến khu vực này.
Hồi giữa tháng 6, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan mang tên lửa đạn đạo của Mỹ cập cảng Hàn Quốc giữa diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa đạn đạo. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm, một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ đến Hàn Quốc để tham gia khóa huấn luyện phối hợp đặc nhiệm.
Chuyến thăm cấp cao của tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân này là được cho là nỗ lực của Mỹ nhằm chứng tỏ họ nỗ lực thực hiện hiệu quả chính sách đảm bảo "chiếc ô hạt nhân" với Hàn Quốc chứ không phải là đe dọa Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã thực hiện một loạt các vụ thử tên lửa trong những năm gần đây, phá vỡ lệnh cấm của Liên hợp quốc. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trải qua hơn 2 tháng không có bất kỳ hoạt động tên lửa nào trước khi bắn thử một số vũ khí tầm ngắn vào đầu tháng này.
Những nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm ngăn chặn động thái của Triều Tiên thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và Nga.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên hay hoạt động cập cảng gần đây của một tàu ngầm lớp Ohio với hỏa lực hạt nhân không có khả năng ngăn chặn chính quyền Bình Nhưỡng.
"Nếu có bất kỳ tác động gì, sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân sẽ chỉ càng khiến Triều Tiên nghĩ rằng, họ cần có nhiều vũ khí tân tiến hơn để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa chung từ Mỹ và Hàn Quốc", ông Jean H. Lee, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại một Trung tâm tại châu Âu cho biết.
"Hiện tại họ không có nhiều vũ khí tân tiến, vì vậy ông Kim Jong-un cần có thêm một lý do để đầu tư vào vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa", chuyên gia này nói thêm.
Mỹ - Hàn đã nâng cấp liên minh dựa trên hạt nhân, theo đó Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết đã thống nhất với Mỹ thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân mới và đồng ý đẩy mạnh kế hoạch hạt nhân trước mối đe dọa từ Triều Tiên.
Các chuyên gia an ninh cho hay, tiềm năng cho một sự thay đổi lớn hơn sau sự nâng cấp này nằm nhiều ở phía Hàn Quốc, bởi triển vọng lớn nhất cho một sự thay đổi nằm ở việc thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân mới giữa hai nước. Seoul và Washington đang củng cố thông tin chi tiết cho các cuộc thảo luận đầu tiên, dự kiến sẽ diễn ra 4 lần trong một năm.
Hiệp ước cũng kêu gọi tổ chức các cuộc tập trận mới cho các tình huống có thể xảy ra bao gồm vai trò quân sự thông thường của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ các hoạt động hạt nhân của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Ông Paul Choi, cựu chiến lược gia của Hàn-Mỹ, cho hay trọng tâm lịch sử của các cuộc tham vấn chiến lược răn đe và răn đe mở rộng của Washington và Seoul là các kịch bản sử dụng hạt nhân của Triều Tiên và cách phản ứng thông thường của liên minh Bộ chỉ huy lực lượng hỗn hợp.
Tuy nhiên, nhiều khía cạnh liên quan đến năng lực triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ, từ việc ra quyết định, hoạt động và tác động sau khi sử dụng "gần như là một hộp đen" đối với Hàn Quốc, ông Choi nói thêm.
"Hội nhập sâu hơn với Seoul sẽ tăng cường năng lực răn đe và sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là khi quân đội Hàn Quốc sẽ chiếm phần lớn lực lượng mặt đất trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt của quân đội Hàn Quốc Chun In-bum cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ việc hiểu sâu hơn về lập trường của nhau. Một câu hỏi đặt ra là nếu Triều Tiên mở màn một cuộc tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc thì phản ứng sẽ là đáp trả bằng hạt nhân hay thông thường, hoặc có thể là cả hai, ông nói thêm.
"Chiến tranh hạt nhân không có câu trả lời. Quyết định sẽ được đưa ra trong một tình huống khó hiểu và nguy cấp, nhưng vì chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các cuộc thảo luận này nên chúng tôi cần được cung cấp thông tin tốt hơn", ông nói thêm.
Mối lo của người dân Hàn Quốc
Khoảng 70% người Hàn Quốc cho biết họ lo lắng về các vấn đề an ninh trong khu vực, theo cuộc thăm dò hồi tháng trước do hãng thông tấn Yonhap thực hiện.
Trong thời gian qua, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cũng tham gia nhiều hơn các cuộc tập trận ba chiều và có kế hoạch đồng bộ hóa các hệ thống theo dõi tên lửa thời gian thực vào cuối năm nay. Seoul và Washington vừa kết thúc cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước đến nay mô phỏng phản ứng trước một cuộc tấn công của Triều Tiên.
Sự phối hợp quân sự sâu sắc hơn giữa Mỹ và các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương đang khiến Triều Tiên và Trung Quốc khó chịu, trong khi việc Hàn Quốc tập trung vào việc tham gia nhiều hơn đối với chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể khiến một số chuyên gia quân sự khó hiểu.
Bà Lami Kim, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng Washington và Seoul có đủ năng lực để giáng đòn mạnh vào Bình Nhưỡng bằng kho vũ khí thông thường của họ.
"Điều quan trọng là liệu Washington có sẵn sàng trừng phạt Bình Nhưỡng bằng vũ lực áp đảo hay không, chứ không phải là việc sẵn sàng sử dụng những hệ thống vũ khí nào", bà nhấn mạnh.