1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sẽ đánh chìm tàu đổ bộ tấn công trong tập trận đa quốc gia

Minh Phượng

(Dân trí) - Trong cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2024, Mỹ sẽ sử dụng tàu đổ bộ tấn công 40.000 tấn làm mục tiêu để đánh chìm.

Mỹ sẽ đánh chìm tàu đổ bộ tấn công trong tập trận đa quốc gia - 1

Tàu đổ bộ tàu đổ bộ USS Tarawa của Mỹ (Ảnh: Seaforces).

Hải quân Mỹ ngày 11/6 tiết lộ, trong cuộc tập trận chung hàng hải đa quốc gia RIMPAC 2024 - được coi là lớn nhất thế giới, sắp bắt đầu vào cuối tháng 6 - sẽ có màn "đánh chìm" ngoạn mục tàu tấn công đổ bộ 40.000 tấn USS Tarawa của chính nước này.

Các nhà phân tích tin rằng, cuộc tập trận tới đây sẽ không chỉ kiểm tra hiệu quả tấn công thực tế của nhiều loại vũ khí chống hạm khác nhau, mà còn mang đến "cơ hội hiếm hoi để kiểm tra khả năng chịu đòn của các siêu thiết giáp hạm cấp tàu sân bay".

Tàu USS Tarawa 40.000 tấn đẳng cấp thế nào?

Trong cuộc tập trận RIMPAC 2024 năm nay - bắt đầu vào ngày 26/6, kéo dài đến ngày 2/8 - với sự tham gia của 40 tàu mặt nước, 3 tàu ngầm, hơn 150 máy bay đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng quân số lên tới 25.000 người. Màn đánh chìm tàu tấn công đổ bộ USS Tarawa sẽ là phần cuối hoành tráng.

Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Hải quân Mỹ sử dụng một tàu lớn đã loại biên làm tàu mục tiêu.

Tàu đổ bộ Tarawa được Hải quân Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 1976, chủ yếu được triển khai ở Tây Thái Bình Dương - Trung Đông. Nó từng tham gia Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh Afghanistan cũng như Chiến tranh Iraq.

Với lượng giãn nước đầy tải lên tới 40.000 tấn, tàu chuyên thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ bãi biển truyền thống, đồng thời cũng sử dụng boong rộng phục vụ trực thăng hạng nặng cất hạ cánh, thực hiện các hoạt động đổ bộ thẳng đứng. Sau khi ngừng hoạt động vào năm 2009, tàu neo đậu tại đảo Ford ở Trân Châu Cảng, Hawaii.

Tấn công đánh chìm tàu mục tiêu là một phần truyền thống của chuỗi cuộc tập trận RIMPAC, nhưng các tàu mục tiêu bị đánh chìm trước đây nhỏ hơn nhiều.

Trong loạt cuộc tập trận kéo dài hơn một thập niên qua, các tàu khu trục lớp Perry đời cũ và tàu đổ bộ cỡ nhỏ thường được chọn làm tàu mục tiêu. Trong RIMPAC 2020, tàu vận tải đổ bộ lớp Charleston Durham với lượng giãn nước dưới 20.000 tấn bị đánh chìm.

Tới đây, tàu tấn công đổ bộ USS Tarawa sẽ là tàu mục tiêu lớn nhất được Hải quân Mỹ sử dụng cho các cuộc tập trận đánh chìm.

Trước đó, để kiểm tra khả năng chống tấn công của siêu tàu sân bay, Hải quân Mỹ đã sử dụng tàu sân bay USS America (CV-66) lớp Kitty Hawk đã loại biên của Hải quân Mỹ làm mục tiêu thử nghiệm trong cuộc tập trận SINKEX năm 2005. Sau hàng loạt vụ tấn công bằng nhiều loại vũ khí trong suốt 25 ngày, con tàu khổng lồ 100.000 tấn cuối cùng đã chìm xuống đáy biển.

Mỹ sẽ đánh chìm tàu đổ bộ tấn công trong tập trận đa quốc gia - 2

Tàu sân bay USS America (CV-66) lớp Kitty Hawk đã bị đánh chìm năm 2005 trong cuộc tập trận SINKEX (Ảnh: National Interest).

Tuy nhiên, sau này, Hải quân Mỹ có thể sẽ không còn cơ hội sử dụng siêu hàng không mẫu hạm đã loại biên làm tàu mục tiêu nữa vì hai tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường cuối cùng của họ là USS Kennedy và USS Kitty Hawk đã được đưa đến bãi phá dỡ.

Còn sau khi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên, USS Enterprise ngừng hoạt động, việc tháo dỡ, khử độc các lò phản ứng hạt nhân của nó là rất khó khăn, tốn kém đồng thời mất nhiều thời gian.

Ngay cả sau khi công việc tháo dỡ liên quan đã hoàn thành, việc đánh chìm nó trực tiếp xuống đáy biển có thể gây ô nhiễm sinh thái nghiêm trọng. Ngoài ra, tất cả các tàu sân bay đang phục vụ trong Hải quân Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự như Enterprise trong tương lai.

Mỹ và đồng minh liên tiếp đánh chìm tàu mục tiêu cỡ lớn

Việc đánh chìm tàu tấn công đổ bộ USS Tarawa sẽ mang đến cho Hải quân Mỹ cơ hội hiếm có để thu thập thông tin về uy lực vũ khí cũng như hiệu quả của các tàu chiến lớn được bảo vệ như thế nào, trước những loại vũ khí tấn công khác nhau.

Mặc dù các cuộc thử nghiệm mô phỏng cũng như thử nghiệm phá hủy hạn chế, cũng có thể cung cấp thông tin rất hữu ích cho việc nâng cao khả năng bảo vệ của tàu nhưng không có gì thay thế được thử nghiệm thực tế, để xem điều gì sẽ xảy ra khi một tàu chiến trọng tải lớn bị trúng đòn nghiêm trọng;  

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các cuộc tập trận RIMPAC phải có màn thực hành diễn tập "đánh chìm" tàu mục tiêu.

Trong những cuộc tập trận trước đây, Mỹ cùng các đồng minh đã thử nghiệm các loại vũ khí chống hạm kèm theo chiến thuật khác nhau, đồng thời thử nghiệm tính hiệu quả của các loại vũ khí chống hạm phi truyền thống chống lại các mục tiêu trên biển.

Chẳng hạn, trong cuộc tập trận RIMPAC 2018, máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ đã phóng tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) mới được phát triển. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã phóng tên lửa chống hạm Type 12 từ bờ biển, trong khi Mỹ đã thử nghiệm tên lửa tấn công hải quân (NSM).

Đây cũng là lần đầu tiên lực lượng tác chiến mặt đất tham gia bắn đạn thật trong cuộc diễn tập RIMPAC. Trong cuộc tập trận RIMPAC 2020, các tàu hải quân Mỹ, Australia và Canada lần lượt phóng ít nhất 3 tên lửa chống hạm Harpoon, đánh chìm tàu vận tải đổ bộ Durham.

Màn diễn tập đánh chìm tàu mục tiêu trong cuộc tập trận RIMPAC 2022 thậm chí còn đa dạng hơn. Đầu tiên, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản phóng tên lửa chống hạm Type 12 vào tàu vận tải đổ bộ Denver đã loại biên, đóng vai trò là tàu mục tiêu. Sau đó, Quân đội Mỹ đã phóng tên lửa dẫn đường ATACMS.

Chưa hết, trực thăng vũ trang Apache đã phóng tên lửa chống tăng không đối đất Hellfire và bắn phá bằng súng máy 30mm. Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ đã phóng một tên lửa chống hạm tầm xa và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chaffee đã dùng hải pháo 127mm để tấn công.

Cuối cùng, Thủy quân lục chiến Mỹ đã đưa một máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet tham gia cuộc tấn công và liên tiếp phóng một tên lửa hành trình, một tên lửa chống bức xạ không đối hải và một quả bom dẫn đường JDAM.

Trong một cuộc diễn tập đánh chìm khác được tổ chức cùng lúc, hải quân Mỹ, Australia, Canada và Malaysia đã cùng nhau đánh chìm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Rhode Davis đã loại biên.

Quân đội Mỹ cho biết, loạt bài tập đánh chìm này, nhằm mục đích tăng cường khả năng chiến thuật, khả năng nhắm mục tiêu và bắn đạn thật của Mỹ và đồng minh chống lại các mục tiêu trên mặt nước.

Trang Dynamics cho biết, hiện chưa biết loại vũ khí nào sẽ được sử dụng để đánh chìm tàu mục tiêu Tarawa trong cuộc tập trận quân sự RIMPAC 2024 sắp tới, tuy nhiên, ngư lôi hạng nặng phóng từ tàu ngầm sẽ là đòn cuối cùng để đánh chìm nó.

Đánh giá khả năng chống chịu thiệt hại của tàu chiến lớn

Ngoài việc thử nghiệm hiệu quả tấn công thực tế của nhiều loại vũ khí chống hạm tiên tiến khác nhau, Hải quân Mỹ còn có kế hoạch tận dụng cơ hội này để thu thập những thông số kỹ thuật về khả năng chống chịu thiệt hại của những con tàu lớn khi bị tấn công.

Báo cáo đề cập rằng, tàu tấn công đổ bộ Tarawa, với tư cách là tàu có tải trọng lớn của Hải quân Mỹ, được thiết kế để tăng cường bảo vệ cấu trúc cốt lõi của nó và có khả năng chống các đòn tấn công tốt hơn so với tàu đổ bộ lớp Iwo Jima trước đó.

Mặc dù trong cuộc thử nghiệm với tàu USS America năm 2005, Hải quân Mỹ đã chứng minh rằng siêu tàu sân bay rất khó bị đánh chìm, khi đối mặt với các cuộc tấn công thông thường, nhưng giờ đây, phải đối mặt với sự xuất hiện của vũ khí chống hạm thế hệ mới, các siêu chiến hạm này liệu có khả năng chịu đựng được như vậy nữa không?

Hải quân Mỹ đang mong muốn tìm hiểu khả năng sống sót của các tàu mặt nước lớn truyền thống, khi đối mặt với những vũ khí chống hạm tiên tiến này.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cuộc tranh cãi về khả năng duy trì khả năng chiến đấu của tàu chiến và sửa chữa các tàu bị hỏng hóc trong chiến đấu đã khiến lãnh đạo Quân đội Mỹ và các quốc gia nhập khẩu tàu chiến của nước này lo lắng.

Vào năm 2020, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard (LHD-6)  lớp Wasp ngay tại cảng, khiến thế giới càng băn khoăn hơn về những tai nạn có thể xảy ra đối với những con tàu lớn như vậy trong thực chiến.

Mỹ sẽ đánh chìm tàu đổ bộ tấn công trong tập trận đa quốc gia - 3

Vụ cháy tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard (LHD-6) của Mỹ năm 2020 (Ảnh: CBS 8 San Diego).

Các nhà phân tích cho rằng, Hải quân Mỹ đặc biệt lo ngại nếu những con tàu lớn này bị đánh chìm, thương vong của hàng nghìn thủy thủ đoàn được đào tạo bài bản trên tàu, sẽ là tổn thất to lớn không thể bù đắp trong thời gian ngắn.

Vì vậy, việc đưa tàu đổ bộ tải trọng lớn USS Tarawa làm tàu mục tiêu trong cuộc tập trận quân sự RIMPAC 2024 sẽ giúp giải bài toán về khả năng mất đi các tàu chủ lực khổng lồ trong những cuộc xung đột quy mô lớn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ đã "ngủ quên" khi trì trệ trong việc phát triển tên lửa chống hạm thế hệ mới. Tên lửa chống hạm Harpoon được phát triển từ những năm 1970, tiếp tục đóng vai trò là vũ khí chống hạm chủ đạo của họ.

Do đó, hầu hết vũ khí chống hạm đang được quân đội Mỹ sử dụng đều có nhược điểm rõ ràng là không đủ sức mạnh. Người ta đã chứng minh trong các cuộc tập trận RIMPAC trước đây rằng, chúng khó đạt được hiệu quả "một đòn tiêu diệt" đối với các tàu lớn, được bảo vệ tốt.

Các đối thủ tiềm tàng mà Hải quân Mỹ lo ngại như Trung Quốc, Nga đều đang phát triển nhanh chóng về các loại vũ khí chống hạm. Vì vậy, Lầu Năm Góc có lý do để lo ngại về khả năng sống sót của siêu tàu sân bay khi đương đầu với các đối thủ.