1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc lần đầu ra biển: Đối thủ đáng gờm của Mỹ?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Trung Quốc có thể nâng cấp quy mô hải quân khi tàu sân bay mới nhất của hải quân nước này tiến hành thử nghiệm trên biển.

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc lần đầu ra biển: Đối thủ đáng gờm của Mỹ? - 1

Tàu sân bay Phúc Kiên của Hải quân Trung Quốc (Ảnh: Sputnik).

Tàu sân bay Phúc Kiến - tàu tiên tiến nhất và hoàn toàn được thiết kế và chế tạo trong nước của Trung Quốc, lần đầu tiên được ra mắt công chúng vào tháng 6/2022 - đã rời bến tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam vào ngày 1/5 để bắt đầu các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển.

Đây là tàu sân bay thứ ba của nước này. Hai chiếc khác là Sơn Đông, cũng được đóng trong nước, đưa vào hoạt động vào năm 2019, và Liêu Ninh - tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô - được mua từ Ukraine sau khi Liên Xô tan rã.

Hải quân Trung Quốc cho biết các cuộc thử nghiệm trên biển của Phúc Kiến sẽ đánh giá "độ tin cậy và ổn định của hệ thống động cơ đẩy và năng lượng điện của tàu". Tàu sân bay là một trong những "thiết bị quân sự quan trọng nhất" đang được nước này phát triển.

Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ (USN) đang dẫn đầu về số lượng tàu sân bay với 11 chiếc, ngoài 9 tàu tấn công đổ bộ chở máy bay. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự suy đoán rằng Trung Quốc đang chuẩn bị thu hẹp khoảng cách đó.

Phúc Kiên là tàu sân bay Trung Quốc được phát triển và đóng mới hoàn toàn trong nước, có lượng giãn nước hơn 80.000 tấn, chiều dài khoảng 316m và chiều rộng trung bình 72m. Tàu sân bay có thể chứa 2.000 thủy thủ đoàn và 1.000 phi hành đoàn.

Tàu sân bay Phúc Kiến có sàn đáp phẳng, 2 thang máy dành cho tiêm kích, 3 hệ thống phóng máy bay điện từ, 4 lớp cáp hãm đà máy bay. Đây cũng là tàu đầu tiên của Trung Quốc được lắp hệ thống phóng máy bay điện từ như lớp tàu sân bay Ford của Mỹ.

Động cơ đẩy của Phúc Kiến được cho là dựa trên tua-bin hơi nước thông thường với máy phát điện diesel. Tốc độ di chuyển ước tính của nó là 30-31 hải lý/giờ (56km/h).

Theo các phương tiện truyền thông, tàu Phúc Kiến có thể chở khoảng 60 máy bay, trong đó có 40 máy bay chiến đấu, như J-15, ngoài ra là trực thăng chống ngầm cùng máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không.

Quá trình thử nghiệm trên biển của tàu sân bay Phúc Kiến sẽ mất ít nhất khoảng 1 năm, trước khi con tàu này được chính thức đưa vào hoạt động vào năm 2025 hoặc 2026.

Tàu Phúc Kiến có thể thách thức các tàu sân bay Mỹ?

Một câu hỏi được đặt ra là liệu tàu sân bay Phúc Kiến có thể đối đầu với hàng không mẫu hạm mới nhất của hải quân Mỹ, USS Gerald R Ford, thế nào.

Mặc dù tàu chiến Mỹ có chiều dài 333m, lượng giãn nước lớn hơn 100.000 tấn và chạy bằng năng lượng hạt nhân so với tàu Phúc Kiến chạy bằng năng lượng thông thường, nhưng có một số khía cạnh mà Trung Quốc tuyên bố tàu của mình có lợi thế.

Tính năng chính của Phúc Kiến - 3 máy phóng điện từ và thiết bị hãm - ngang với Ford. Nhưng tàu sân bay Trung Quốc được mô tả là có máy phóng dùng dòng điện một chiều, được cho là tiết kiệm năng lượng hơn và dễ tích hợp với các thiết bị lưu trữ năng lượng hơn so với bốn máy phóng điện xoay chiều trên hàng không mẫu hạm Mỹ.

Tàu Trung Quốc có thể được trang bị 3 máy phóng độc lập về nguồn điện, không giống tàu sân bay Mỹ. USS Gerald R Ford không thể ngắt nguồn điện cho chỉ một máy phóng, nghĩa là mọi hoạt động phóng phải dừng lại nếu cần sửa chữa.

Tàu Phúc Kiến được cho là sử dụng động cơ đẩy điện tích hợp được hỗ trợ bởi máy phát điện hơi nước. Điều này được cho là mang lại khả năng phân phối điện rất linh hoạt và giảm mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của tàu.

Tuy nhiên, các tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân nên tầm hoạt động không bị hạn chế. Trong khi đó, tàu Phúc Kiến chạy bằng nhiên liệu thông thường, nghĩa là nó phải ghé cảng hoặc phải được tiếp nhiên liệu ngay trên biển.

Tháp điện tử tích hợp đa chức năng của Phúc Kiến được cho là đi trước cấu hình truyền thống của Ford. Hệ thống radar của tàu Trung Quốc nhỏ gọn hơn, giảm thiểu sự can nhiễu hoặc ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cảm biến. Thiết kế tối giản của tháp chỉ huy trên tàu Phúc Kiến, được làm bằng vật liệu composite màu xám trên trung tâm chỉ huy, giấu ăng-ten và cảm biến.

Theo Sputink