1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ săn tìm hàng tỷ USD của cựu Tổng thống Saddam Hussein

(Dân trí) - Mỹ đặc biệt muốn tìm ra gần 4,3 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp được cho là đã kiếm được từ thỏa thuận đổi dầu lấy hàng hóa với Syrie từ năm 2000-2003.

Những thỏa thuận trên được cho là nằm ngoài khuôn khổ chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hợp Quốc (LHQ).

 

Tham gia cuộc điều tra hiện có cả các quan chức FBI, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ hy vọng có thể thẩm vấn các thành viên của gia đình ông Saddam để tìm ra manh mối.

 

Các quan chức Bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ khẳng định rằng Syrie đã không giải trình hợp lý về 500 triệu USD thu được từ dầu lửa Iraq.

 

Các nguồn tin cho biết số tiền này, được gửi trong ngân hàng trung ương Syrie, đã được trả cho "các doanh nghiệp" Syrie sau khi chính quyền Saddam bị sụp đổ.

 

Các quan chức Syrie bác bỏ những cáo buộc này, nói rằng các chuyến thăm Damacus của các quan chức Mỹ hồi mùa Thu năm 2003 đã không tìm được bằng chứng về số tiền thất thoát, ngoài 300 triệu USD đã bị phong tỏa.

 

LHQ đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế, kể cả lệnh cấm bán dầu, chống Iraq năm 1990 sau khi Saddam tiến hành xâm lược Kuwait.

 

Chương trình đổi dầu lấy lương thực được đưa ra tháng 12/1996 nhằm nới lỏng ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với thường dân Iraq. Chương trình này, được 15 nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ giám sát, ủy quyền cho chính phủ bán dầu lửa và sử dụng số tiền thu được mua hàng hóa dân sự.

 

Trong một báo cáo được trình lên CIA năm 2005, Charles Duelfer, cựu thanh tra về vũ khí của LHQ, ước tính rằng Saddam đã kiếm được 10,9 tỷ USD "thông qua các phương thức bất hợp pháp" từ năm 1990, khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra, đến 2003.

 

Cũng có nguồn tin cho rằng ông Saddam cất giấu tiền trong các tài khoản ở Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức và các nước khác và đầu tư vào đá quý, có thể là kim cương mua ở Viễn Đông.

 

Ngay trước khi cuộc chiến nổ ra năm 2003, khoảng 1,7 tỷ USD bằng tài sản trong các tài khoản được giữ ở Mỹ nhân danh chính phủ Iraq, ngân hàng trung ương Iraq và các ngân hàng Rafidain và Rasheed đã bị thu giữ. Ngân hàng trung ương Anh đã phong tỏa gần 800 triệu USD trong các ngân hàng Anh. Ngoài ra, số tiền 495 triệu USD từ số tài sản vô danh trước đó được đảm bảo trong các tài khoản ở Libăng.

 

Ngay sau khi bị bắt, ông Saddam được cho là đã khai với những người Mỹ thông tin về nơi cất giấu hàng tỷ đô la mà ông đã rút ra từ kho bạc của Iraq và gửi ra nước ngoài. Iyad Allawi, sau này trở thành thành viên của Hội đồng chính phủ Iraq, cho biết người dân Iraq đang tìm khoảng 45 tỷ USD được gửi ở Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức và các nước khác dưới tên của những công ty "ma".

 

Barzan al-Tikriti, người anh em của Saddam bị bắt tháng 4/2003, là một đầu mối quan trọng đối với các nhà điều tra tài chính ở Mỹ và Iraq - những người tin rằng các thành viên gia đình có thể nắm thông tin quan trọng. Barzan bắt đầu quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài của Saddam sau khi chuyển đến Gieneva năm 1983 để làm đại sứ Iraq tại Thụy Sĩ.

 

Raghad, con gái của Saddam, đang sống ở Amman với điều kiện không được tham gia các hoạt động chính trị hoặc đưa ra các tuyên bố công khai. Quốc vương Jordan Abdullah  đã dành cho bà và em gái bà, Rana, một nơi ở vì lý do nhân đạo, sau khi Mỹ tiến hành xâm lược Iraq năm 2003.

 

Raghad, được xem như "Saddam bé" vì bà có chung tính cách của cha mình, mới bị chính phủ Iraq cáo buộc sử dụng hàng triệu đôla mà cha bà đã lấy cắp để giúp đỡ tài chính cho các nhóm nổi dậy.

                                   

                                                                                    A.K
            Theo Observer 

Dòng sự kiện: Hành quyết Saddam Hussein