1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nói Nga muốn "bao vây" thủ đô của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington có bằng chứng cho thấy Nga có ý định bao vây thủ đô Kiev của Ukraine.

Mỹ nói Nga muốn bao vây thủ đô của Ukraine - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP).

Theo Reuters, Ngoại trưởng Blinken hôm 24/2 cho biết, "tất cả các bằng chứng đều cho thấy Nga có ý định bao vây và đe dọa Kiev".

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ không tiết lộ chi tiết kế hoạch hành động của Nga.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng Nga đã phóng "tổng cộng hơn 160 tên lửa" trong các cuộc không kích ở Ukraine, trong đó hầu hết là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, Nga cũng sử dụng tên lửa tầm trung và tên lửa hành trình.

Giới chức Ukraine hôm 24/2 xác nhận quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

"Không thể nói nhà máy điện hạt nhân Chernobyl an toàn sau một chiến dịch quân sự của Nga. Đây là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất ở châu Âu hiện nay", Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết.

Theo hãng tin Reuters, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân trong khi các lực lượng Ukraine giao tranh với họ từ 3 phía hôm 24/2. Trước đó, Moscow đã triển khai chiến dịch quân sự trên bộ, trên biển và trên không nhằm vào quốc gia láng giềng.

Một nguồn tin an ninh Nga cho biết quân đội Nga đã tập trung đông đảo trong "vùng bảo vệ" Chernobyl trước khi tiến vào Ukraine sáng 24/2. Theo nguồn tin này, Nga muốn kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl để đảm bảo NATO không can thiệp quân sự vào Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng quân sự Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

"Lực lượng Nga đang cố gắng kiểm soát Chernobyl. Quân đội của chúng ta đang chiến đấu bằng cả mạng sống để thảm kịch năm 1986 sẽ không lặp lại", Tổng thống Zelensky viết trên Twitter hôm 24/2.

Cảnh báo của ông Zelensky được đưa ra sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt để hỗ trợ 2 khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra cảnh báo tương tự Tổng thống Zelensky. Cơ quan này viết trên Twitter rằng hành động quân sự của Nga vào Ukraine có thể "gây ra một thảm họa sinh thái khác".

"Năm 1986, thế giới đã chứng kiến thảm họa công nghệ lớn nhất ở Chernobyl. Nếu tiếp tục xung đột, Chernobyl có thể xảy ra một lần nữa vào năm 2022", Bộ Ngoại giao Ukraine viết trên Twitter.

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bất ngờ phát nổ, phát tán một lượng lớn phóng xạ từ nhà máy ra các khu vực xung quanh. 

Sau khi xảy ra sự cố nổ lò phản ứng hạt nhân, Liên Xô đã sơ tán khoảng 115.000 người dân khỏi những khu vực bị nhiễm phóng xạ nặng nề nhất trong năm 1986 và khoảng 220.000 người khác trong những năm sau đó.

Các chuyên gia hạt nhân nhận định phải rất lâu nữa mức độ phóng xạ tại khu vực xung quanh nhà máy Chernobyl mới có thể quay về mức bình thường và đảm bảo an toàn cho cuộc sống của con người. Chernobyl được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới và là lời cảnh báo về mặt trái của công nghệ hạt nhân.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine