1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dòng chảy phương Bắc 2 giúp hiện thực hóa tầm nhìn 30 năm của Nga

Dòng chảy phương Bắc 2 là mắt xích cuối cùng trong dự án kéo dài 30 năm của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nước trung gian khi xuất khẩu khí đốt ra thị trường quốc tế.

Dòng chảy phương Bắc 2 giúp hiện thực hóa tầm nhìn 30 năm của Nga - 1

Một chuyên gia hàn đường ống trong quá trình hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Ảnh: Reuters).

Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic, là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm gia tăng sức ảnh hưởng đối với các khách hàng mua khí đốt của châu Âu.

Hiện thực hóa tầm nhìn 30 năm của Nga

Đây cũng là mắt xích cuối cùng trong dự án kéo dài 30 năm của Nga nhằm chuyển hướng việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ra khỏi tuyến đường trung chuyển qua các nước trung gian từng thuộc Liên Xô cũ. Theo quan điểm của Nga, đó là một mục tiêu hoàn toàn hợp lý.

Kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga phải phụ thuộc vào việc đặt các đường ống dẫn khí đốt qua các nước trung gian, để xuất khẩu gần như toàn bộ dầu mỏ và khí đốt ra thị trường quốc tế. Nhưng không phải quốc gia trung gian nào cũng là nước thân thiện với Moscow.

Nga thậm chí không thể cung cấp dầu thô cho cảng Novorossiysk của nước này ở Biển Đen nếu không bơm qua đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraine. Tương tự, việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu phải đi qua một hoặc nhiều nước từng thuộc Liên Xô cũ, chẳng hạn như Belarus, Ukraine và Moldova hay các quốc gia vệ tinh của Liên Xô trước đây như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania và Bulgaria. Quan hệ của Moscow với các nước này đang thay đổi và không phải tất cả đều diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Vì vậy, Nga đã bắt đầu thực hiện một loạt dự án nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào việc trung chuyển dầu mỏ và khí đốt qua các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Nga đã xây dựng các cảng xuất khẩu dầu mỏ mới trên bờ biển Baltic của nước này. Sau khi công trình đầu tiên tại vùng Primorsky được hoàn thành, việc trung chuyển dầu mỏ qua các cảng tại Latvia, Lithuania và Ba Lan đã bị cắt giảm đáng kể. Hầu hết các lô dầu mỏ xuất khẩu ra nước ngoài cuối cùng đã được chuyển đi qua các cảng của Nga. Điều tương tự cũng được thực hiện tại khu vực phía Nam, khi Nga dừng trung chuyển dầu thô qua các cảng Odessa và Pivdenne của Ukraine vào cuối năm 2010.

Đối với khí đốt cũng vậy, Nga đã tiến hành các dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt liên kết trực tiếp với những khách hàng như Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Dự án Dòng chảy Xanh băng qua Biển Đen giúp Moscow giảm sự phụ thuộc vào Ukraine để cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giúp nước này giảm sự thuộc vào Belarus và Ba Lan khi cung cấp khí đốt cho Đức và các khách hàng khác ở Tây Âu. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng hiện chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của Đức và EU.

Dù được kỳ vọng là liều thuốc giải cơn khát năng lượng châu Âu nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức có thể tác động đến tương lai của dự án, trong đó có các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nỗ lực ngăn chặn của Ba Lan và Ukraine cùng quyết định cấp phép của giới chức Đức và EU. Những người phản đối cho rằng, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không phù hợp với mục tiêu chống biến đổi khí hậu của châu Âu, khiến khu vực gia tăng phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng của Nga và có thể giúp Tổng thống Putin củng cố ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực.

Những bài học nhãn tiền

Chính sách của Nga giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước trung gian trong việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt không phải điều bất ngờ và Nga cũng không phải quốc gia duy nhất thực hiện kế hoạch này.

Việc phải phụ thuộc vào một nước trung gian khi xuất khẩu năng lượng đã khiến nhiều quốc gia đối mặt với những thách thức lớn. Chẳng hạn như dự án xây dựng đường ống TAPI, nhằm đưa khí đốt từ Turkmenistan qua Afghanistan và Pakistan đến Ấn Độ, đã được thảo luận trong ít nhất 25 năm, đến nay vẫn dang dở vì đối mặt với nhiều thách thức về an ninh do tình hình bất ổn ở Afghanistan.

Tương lai mịt mờ của dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008, nhằm cung cấp dầu thô của Canada đến các nhà máy lọc dầu ở nhiều tiểu bang khác nhau tại Mỹ là lời cảnh báo cho tất cả những nước nào đang xem xét phụ thuộc vào bên trung gian để vận chuyển hàng hóa của mình ra thị trường. Dự án này từng là vấn đề gây tranh cãi trong các đời Tổng thống Mỹ, cũng như vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà bảo vệ môi trường.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã sử dụng lợi thế của nước này với tư cách là một quốc gia trung chuyển dầu và khí đốt từ Iraq đến Azerbaijan để gia tăng kiểm soát đường ống dẫn và tăng phí vận chuyển.

Thực tế trên cho thấy, không có gì ngạc nhiên khi Nga tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào các bên trung gian. Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom Nga có thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine, nhưng thỏa thuận này chỉ có hiệu lực cho đến năm 2024. Sau khi đi vào hoạt động, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ sớm chấm dứt sự phụ thuộc của Nga vào các quốc gia trung gian trong việc xuất khẩu dầu và khí đốt đến các thị trường phương Tây.