Mỹ nỗ lực chặn “cánh tay nối dài” của Triều Tiên ở nước ngoài
(Dân trí) - Những nỗ lực của Mỹ nhằm phá vỡ mạng lưới lao động Triều Tiên tại nước ngoài là một phần trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, từ đó đưa đến cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore.
Đại sứ Mỹ tại Myanmar Scot Marciel là một trong số hàng chục đặc phái viên của Mỹ tại nước ngoài đang nỗ lực để thực thi chính sách của Washington liên quan tới Triều Tiên, đó là “lật tẩy” các nguồn thu tài chính của Bình Nhưỡng và chặn đứng các nguồn thu này.
Đại sứ Marciel đã cùng với giới chức địa phương đóng cửa một nhà hàng Triều Tiên tại Yangon, Malaysia. Đây là một trong chuỗi nhà hàng do Triều Tiên mở tại hàng loạt quốc gia Đông Nam Á - nơi các cô gái trẻ Triều Tiên vừa nhảy múa vừa phục vụ đồ ăn cũng như bán đồ lưu niệm cho khách.
Việc đóng cửa nhà hàng Yangon và trục xuất các nhân viên của nhà hàng này là một phần trong chiến dịch ngày càng được đẩy mạnh của Mỹ, nhằm chấm dứt công việc của hàng trăm nghìn lao động Triều Tiên ở nước ngoài và ngăn chặn nguồn thu ước tính khoảng 500 triệu USD/năm do các lao động này gửi cho chính quyền Bình Nhưỡng.
“Mỗi đại sứ quán được yêu cầu nhận diện các nguồn thu của Triều Tiên và chặn đứng các nguồn thu đó”, một cựu quan chức Mỹ nói với CNN.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm phá vỡ mạng lưới lao động Triều Tiên tại các nhà hàng, công trường xây dựng, cơ sở y tế và quân sự ở nước ngoài là một phần trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên. Chiến dịch này đã góp phần đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Trump tại Singapore hôm 12/6 để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Mặc dù vậy, lực lượng lao động Triều Tiên tại nước ngoài, đặc biệt ở Nga, Trung Quốc và Đông Nam Á, vẫn tiếp tục tăng nhanh. Nhiều người lo ngại rằng một số quốc gia bắt đầu nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, trong khi các nước khác “lợi dụng” hội nghị thượng đỉnh tại Singapore cũng như mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Mỹ và Triều Tiên để làm lý do cho việc giảm nhẹ trừng phạt Bình Nhưỡng.
Tại các thành phố ven sông giáp biên giới Trung Quốc - Triều Tiên, người lao động Triều Tiên bắt đầu quay trở lại các nhà hàng. Các doanh nhân địa phương cho biết một số nhà hàng vẫn đang hoạt động trong khi các nhà hàng khác dự kiến sẽ mở cửa trở lại sau thời gian dừng kinh doanh.
“Tôi nghĩ Trung Quốc, Nga và các nước khác đang lợi dụng sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Triều để lấy cớ nối lại hoặc tiếp tục trao đổi kinh tế với Triều Tiên mà không lo bị trừng phạt”, Greg Scarlatoiu, Giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên, nhận định.
Trong chiến dịch gây sức ép tối đa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an vào tháng 12/2017. Nghị quyết này yêu cầu các nước trục xuất người lao động Triều Tiên về nước trước năm 2019.
Hàng chục nghìn người Triều Tiên đã làm việc tại Nga và Trung Quốc. Đây cũng là hai trong số ít quốc gia mà hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo vẫn thực hiện các chuyến bay qua lại. Đông đảo lao động Triều Tiên vẫn đang làm công việc đốn gỗ và xây dựng tại các thành phố của Nga như Vladivostok, còn tại Trung Quốc, người Triều Tiên chủ yếu làm việc trong các nhà hàng tại các thành phố, đặc biệt là ở khu vực biên giới.
Tại Đan Đông, thành phố của Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên, một doanh nhân địa phương cho biết hoạt động du lịch và kinh doanh của Triều Tiên bị sụt giảm sau khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp của Bình Nhưỡng đóng cửa hồi tháng 1. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện gần đây.
Một người Hàn Quốc tên Lee cho biết các nhân viên phục vụ trong nhà hàng Triều Tiên bắt đầu trở lại Trung Quốc, một số nhà hàng nhỏ đã đi vào hoạt động trong khi những nhà hàng lớn cũng sẵn sàng mở cửa trở lại. Cũng theo ông Lee, số lượng xe tải di chuyển qua thành phố nơi ông sống ở gần Triều Tiên hiện bằng 30% so với thời kỳ đông đúc nhất trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng với Bình Nhưỡng.
Nguồn thu tài chính
Khi làm việc tại nước ngoài, các lao động Triều Tiên đều phải chịu sự kiểm soát của “những người giám sát” từ chính quyền Triều Tiên. Họ phải trả một khoản tiền về nước cho chính quyền và thường số tiền này nhiều hơn một nửa số lương họ nhận được.
Những nữ nhân viên phục vụ trong các nhà hàng Triều Tiên thỉnh thoảng được cho phép đi mua sắm với những người giám sát. Theo Rosa Park, Giám đốc phụ trách các chương trình tại Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên, phần lớn các nhân viên nhà hàng xuất thân từ những gia đình có vị thế tại Triều Tiên.
“Những nhà hàng này do mạng lưới người Triều Tiên ở nước ngoài vận hành, tương tự các hoạt động thu lợi nhuận khác của Triều Tiên và là một trong hàng loạt công cụ được chính quyền Triều Tiên sử dụng để tăng nguồn ngoại tệ”, chuyên gia Priscilla Moriuchi tại hãng an ninh Recorded Future cho biết.
Theo Moriuchi, cựu quan chức cấp cao về Đông Á tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, các “công cụ” được chính quyền Triều Tiên sử dụng để tăng nguồn thu tài chính gồm mua bán chui các loại rượu, đá quý, thuốc men từ nước ngoài. Mark Tokola, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Hàn - Triều của Mỹ, nguồn thu tài chính từ các lao động và doanh nghiệp Triều Tiên ở nước ngoài không phải là yếu tố sống còn, nhưng cũng không phải là phần kém quan trọng đối với chính quyền Triều Tiên.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm tỏa Bình Nhưỡng về thương mại và các chuyên gia nhận định Bắc Kinh rõ ràng đang tuân thủ theo xu hướng này. Tuy vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhìn thấy những lợi ích chiến lược trong việc duy trì mối quan hệ gần gũi với Triều Tiên và có thể cân nhắc vấn đề trừng phạt, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump áp thuế thương mại với Trung Quốc.
Giới chức Nga đã cam kết sẽ trục xuất người lao động Triều Tiên. Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora hồi đầu năm từng tuyên bố các nhà chức trách Nga bắt đầu trục xuất lao động Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bruce Klingner phát biểu trước quốc hội hồi tháng 3 năm ngoái rằng “ít nhất 30 nhà hàng của Triều Tiên ở nước ngoài đã đóng cửa” do lệnh trừng phạt.
Tháng 5/2017, Đức đã đóng cửa một tòa nhà tại Berlin bị nghi là rót tiền về Triều Tiên. Tháng 12/2017, Mông Cổ cũng công khai tuyên bố trục xuất các lao động hợp đồng Triều Tiên. Mặc dù người Triều Tiên vẫn đang làm việc rải rác tại các nước vùng Vịnh như Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar, Oman và Kuwait, song hầu hết các nước này đều tuyên bố dừng cấp thị thực mới cho lao động Triều Tiên.
Thành Đạt
Tổng hợp