1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do ông Kim Jong-un muốn áp dụng mô hình kinh tế Việt Nam cho Triều Tiên

(Dân trí) - Theo báo Nikkei Asia của Nhật Bản, trong cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiết lộ rằng, ông muốn đưa kinh tế nước nhà phát triển theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Các chuyến thăm Trung Quốc gần đây cùng với các nỗ lực ngoại giao hòa hoãn với Mỹ và Hàn Quốc đã phần nào cho thấy mong muốn tập trung cải cách kinh tế của ông Kim Jong-un.

Trung Quốc được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cải cách này của Triều Tiên, nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao Triều Tiên thay vì theo đuổi mô hình kinh tế giống Trung Quốc lại muốn học tập mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.

Không phát triển quá nóng


Trung Quốc được cho là sẽ có vai trò quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế của Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trung Quốc được cho là sẽ có vai trò quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế của Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

Nếu xét đến tần suất các chuyến thăm Trung Quốc gần đây của ông Kim Jong-un và vị thế của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đồng minh quan trọng của Triều Tiên, đáng lẽ mô hình kinh tế Trung Quốc phải là mô hình mà Triều Tiên mong muốn học hỏi.

Chương trình cải cách kinh tế "Đổi mới" ra đời năm 1986 của Việt Nam được cho là có khá nhiều điểm tương đồng với chính sách cải cách và mở cửa kinh tế năm 1978 của Trung Quốc. Chương trình cải cách này dựa trên ý tưởng chính là đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo được sự ổn định của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Nikkei Asia dẫn nhận định của chuyên gia về điểm khác biệt chính giữa hai chính sách cải cách của Việt Nam và Trung Quốc dẫn đến việc ông Kim Jong-un thích mô hình tăng trưởng của Việt Nam hơn.

Junya Ishii, chuyên gia phân tích cấp cao tại Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, lý giải do Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh, quá nóng nên mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ thích hợp hơn với Triều Tiên.

Thêm vào đó, Việt Nam có hướng đi riêng trong việc thiết lập các hiệp định thương mại tự do. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong khi Trung Quốc mới có 17 hiệp định dù gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) trước 6 năm. Việt Nam không ngần ngại đàm phán thương mại tự do với các nước phát triển.

Mô hình phát triển cân bằng


Mô hình kinh tế của Việt Nam được cho là phát triển cân bằng (Ảnh minh họa: Reuters)

Mô hình kinh tế của Việt Nam được cho là phát triển cân bằng (Ảnh minh họa: Reuters)

Một điểm khác biệt chính nữa là Việt Nam theo đuổi mô hình "phát triển cân bằng".

Trung Quốc có khoảng 1,4 tỷ dân trong khi dân số Việt Nam chưa đến 100 triệu người. Điều này dẫn đến sự khác biệt lớn về tiềm năng nhân công giá rẻ dành cho các ngành công nghiệp xuất khẩu, chưa kể đến các khía cạnh rất khác cho tiêu dùng nội địa.

Chính phủ Trung Quốc trước đây ưu tiên phát triển Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố ven biển khác dễ tiếp cận các thị trường nước ngoài và lập ra các đặc khu kinh tế tại các vùng này. Chính sách này có thể gây ra sự mất cân đối về kinh tế.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn do cơ sở hạ tầng tốt, chính phủ lại cố gắng đưa các nhà máy điện tử, luyện thép, hóa chất ra miền trung và miền bắc. Điều này nhằm đảm bảo sự ổn định và cân bằng.

Theo World Bank, chỉ số Ghini, đo sự bình đẳng thu nhập trong xã hội, của Trung Quốc là 0,422 điểm, đứng thứ 49/158 nền kinh tế. Chỉ số này của Việt Nam là 0,348 điểm, đứng thứ 101 cho thấy sự cân bằng thu nhập hơn.

Xích lại gần Mỹ và Hàn Quốc?

Nikkei dẫn nhận định của chuyên gia cũng cho rằng, một trong những lý do ông Kim Jong-un lựa chọn mô hình kinh tế của Việt Nam mà không phải của Trung Quốc có thể là một cách để Bình Nhưỡng giảm dần phụ thuộc vào Bắc Kinh, mặt khác thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Mỹ và Hàn Quốc.

Việt Nam và Mỹ là hai cựu thù, song suốt 15 năm tính đến năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng may mặc, điện tử và một số hàng hóa khác của Việt Nam. Triều Tiên hoàn toàn có thể có được sự hợp tác kinh tế đáng kể từ Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai bên ấm dần lên.

Trong khi đó, ông Kim Jong-un có thể cũng muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Triều Tiên giống như đã đầu tư vào Việt Nam.

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư mạnh ở Việt Nam, đưa Hàn Quốc trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam kể từ năm 2014, vượt qua Nhật Bản. Samsung đang sản xuất 240 triệu chiếc điện thoại thông minh/năm tại Việt Nam, chiếm tới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Minh Phương

Theo Nikkei Asia, CNA