1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ ngầm thừa nhận chương trình F-35 trị giá 1,7 nghìn tỷ USD thất bại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ tuyên bố họ đang triển khai nghiên cứu về một loại máy bay chiến đấu mới, rẻ hơn và nhẹ hơn. Điều này được xem như một sự thừa nhận ngầm rằng chương trình F-35 đã thất bại.

Mỹ ngầm thừa nhận chương trình F-35 trị giá 1,7 nghìn tỷ USD thất bại - 1

Các tiêm kích F-35 Mỹ tập trận "Voi đi bộ" hồi đầu năm ngoái (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Forbes ngày 23/2 đưa tin, Không quân Mỹ muốn phát triển một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, giá cả phải chăng để thay thế hàng trăm chiếc F-16 cổ điển từ thời Chiến tranh Lạnh và bổ sung cho một đội bay nhỏ gồm các máy bay chiến đấu tàng hình phức tạp nhưng đắt tiền và không đáng tin cậy - F-35.

Máy bay mới dự kiến sẽ là sự kết hợp giữa các tiêm kích thế hệ 5 đắt đỏ F-22 và F-35 và các máy bay thế hệ 5 giá cá phải chăng, theo Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown Jr.

Trong 20 năm nghiên cứu và phát triển F-35, từ mục tiêu ban đầu là tiêm kích hạng nhẹ, chiếc máy bay hiện tại ngày càng nặng nề và đắt đỏ hơn. Chi phí phát triển F-35 đã lên tới 1.700 tỷ USD - là một trong những chương trình vũ khí đắt nhất thế giới. Thêm vào đó, máy bay này vẫn đang gặp hàng loạt trục trặc từ đơn giản tới nghiêm trọng, biến nó thành một vấn đề "gây đau đầu". Và các quan chức Mỹ cho biết nước này cần một tiêm kích mới để giải quyết vấn đề của F-35.

Chi phí cho một tiêm kích F-35 vào khoảng 100 triệu USD - một mức giá cao. Dù sở hữu khả năng tàng hình ấn tượng và hàng loạt các cảm biến công nghệ cao, nhưng nó cũng tốn nhiều công sức bảo trì, ẩn chứa hàng trăm lỗi kỹ thuật và những đặc điểm khiến nó đôi khi hoạt động không đáng tin cậy. Dan Ward, cựu quan chức không quân Mỹ nhận định rằng "F-35 không phải là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, giá rẻ" như kỳ vọng ban đầu của chương trình.

Màn nhào lộn đẹp mắt của máy bay chiến đấu F-35

Ông Brown so sánh F-35 với một chiếc siêu xe Ferrari và cho biết: "Bạn không lái Ferrari đi làm mỗi ngày, bạn chỉ lái chúng vào ngày chủ nhật. Đây là một tiêm kích cao cấp và chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi không dùng nó cho những chuyến bay ở cấp thấp hơn", ông Brown nói.

Theo Forbes, bình luận của ông Brown được cho là một sự ngầm thừa nhận rằng chương trình F-35 đã "thất bại". Được khởi động vào những năm 1990, chương trình F-35 được kỳ vọng sẽ sản xuất hàng nghìn máy bay chiến đấu để thay thế gần như tất cả các máy bay chiến thuật hiện có trong biên chế của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ. Riêng không quân đã có nhu cầu mua 1.800 chiếc F-35 để thay thế cho những chiếc F-16 và A-10 đã cũ kỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Dan Grazier từ tổ chức Giám sát Chính phủ ở Washington, D.C, cho rằng không quân Mỹ và nhà thầu Lockheed Martin đã không thành công ngay từ giai đoạn lên ý tưởng cho F-35. "Họ nhồi nhét và buộc F-35 phải làm quá nhiều thứ", Grazier bình luận.

Sự phức tạp trong việc chế tạo 3 phiên bản A, B, C cho mỗi đơn vị đặc thù khiến chi phí tăng lên, dẫn tới sự chậm trễ. Sự chậm trễ khiến cho nhà phát triển có thêm thời gian để bổ sung thêm những tính năng phức tạp vào bản thiết kế. Nó tạo thành một vòng lặp và cuối cùng chi phí bị đẩy lên cao và chương trình thêm chậm trễ.

Khoảng 15 năm sau chuyến bay đầu của F-35, không quân Mỹ chỉ có vỏn vẹn 250 chiếc. Giờ đây, lực lượng này phát đi tín hiệu không muốn theo đuổi tiếp tục chương trình này. Ông Grazier cho rằng chương trình F-35 đang ở trạng thái ở giữa "ngã tư đường".