1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiêm kích F-35 có thể sớm bị "ra rìa" vì quá đắt đỏ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi loại máy bay khác do chi phí quá đắt đỏ.

Tiêm kích F-35 có thể sớm bị ra rìa vì quá đắt đỏ - 1

Tiêm kích F-35 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Breaking Defense dẫn lời người đứng đầu cơ quan mua sắm của Không quân Mỹ Will Roper cho biết chi phí vòng đời quá đắt đỏ của F-35 có thể khiến cho lực lượng này không thể mua đủ số lượng máy bay cần thiết theo nhu cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc, chương trình Tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) có thể sẽ được đẩy nhanh lên thay thế cho F-35.

"Tôi nghĩ chương trình F-35 còn một quãng đường xa để trở thành tiêm kích giá cả phải chăng để Mỹ có thể mua với số lượng lớn", ông Roper cho biết.

"Đó là lý do vì sao chương trình NGAD trở nên rất quan trọng với không quân. Nó không chỉ là tiêm kích thể hệ mới chúng ta cần trong chiến đấu mà nó có thể trở thành một máy bay bền vững hơn F-35. Trên thực tế, việc giảm chi phí bay mỗi giờ với F-35 hiện khó xảy ra", ông Roper nói.

Trước đó, không quân Mỹ dự tính mua 1.763 chiếc F-35 để phục vụ cho nhu cầu tác chiến và vận hành của bộ phận này.

Ông Roper giải thích các tiêm kích của không quân Mỹ cần phải thể hiện sự thống trị trên không ngay trong những giờ phút đầu tiên trong kịch bản có chiến tranh diễn ra. Chính vì vậy, việc sở hữu số lượng lớn tiêm kích chủ lực là điều Mỹ cần để không bị áp đảo khi đối thủ có thể tung ra một số lượng lớn máy bay.

Ngoài vấn đề số lượng, vấn đề chất lượng cũng được quan tâm. Hiện thời, tiêm kích F-35 vẫn đang gặp phải nhiều lỗi phần cứng và phần mềm có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động

Theo Topwar, không quân Mỹ có thể sẽ không thể mua đủ số lượng F-35 theo định kỳ để đạt được số lượng cần thiết vào năm 2025. Ngoài ra, chi phí vận hành của F-35 cũng được xem là rất đắt đỏ vì vậy Mỹ sẽ không thể duy trì quá nhiều F-35 ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Theo truyền thông Mỹ, khoản ngân sách quốc phòng 800 tỷ USD hàng năm là vẫn chưa đủ.

Nếu tình hình không được cải thiện, việc Mỹ chuyển sang NGAD là điều có thể xảy ra. Theo giới quan sát, tuyên bố của ông Roper không nên được xem là tuyên bố quyết định số phận F-35. Đó có thể được coi là lời nhắc nhở tới nhà thầu sản xuất F-35 Lockheed Martin về việc họ cần nỗ lực để giảm chi phí vận hành trung bình, hiện ở mức 42-44.000 USD/giờ. Nếu Lockheed không thể thực hiện được điều này, không quân Mỹ có thể sẽ cân nhắc tới phương án thay thế F-35. 

"Tia chớp" F-35 nhào lộn 12 động tác mãn nhãn trên bầu trời Mỹ