1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ nêu lý do tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ ưu tiên cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Mỹ nêu lý do tiếp tục hỗ trợ Ukraine - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP).

"Mỗi ngày chúng tôi đều xem xét liệu chúng tôi có thể kết thúc cuộc chiến này hay không. Tuy nhiên tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy ở thời điểm hiện tại Nga quan tâm đến một giải pháp ngoại giao và đàm phán để chấm dứt cuộc chiến này", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên hôm 16/3.

"Do vậy, cách nhanh nhất để kết thúc cuộc chiến này là tiếp tục hỗ trợ Ukraine để họ mạnh trên chiến trường và hy vọng, đến một lúc nào đó, (Tổng thống Nga Vladimir) Putin nhận ra thực tế rằng cuộc chiến này phải dừng lại, rằng ông ấy sẽ không thể thành công. Ông ấy sẽ phải chuẩn bị cho ngoại giao và đàm phán. Nếu ngày đó đến, chúng tôi sẽ là người đầu tiên tham gia (đàm phán) để cố gắng kết thúc mọi thứ. Nhưng như tôi đã nói, ít nhất là trong thời điểm này, tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều đó", nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.

Cùng ngày, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có tất cả các nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ Ukraine cho đến cuối năm tài chính. Năm tài chính 2023 ở Mỹ kéo dài từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023.

Bà Jean-Pierre lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Biden nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội Mỹ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về việc viện trợ cho Kiev.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất. 

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng những động thái này chỉ làm leo thang và kéo dài cuộc chiến. Theo Moscow, với việc phương Tây cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội của Kiev, họ trên thực tế đã trở thành một bên của cuộc xung đột.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng nhận định, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine. Ông cảnh báo Nga sẽ không đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo NATO cũng nói rằng, hỗ trợ quân sự cho Ukraine là "con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình".

Lithuania, một nước thành viên NATO, tuyên bố cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine là các đồng minh phương Tây gửi vũ khí, đặc biệt là xe tăng, cho Kiev để đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Ukraine nhiều lần cho biết, nước này cần 600-700 xe chiến đấu bộ binh và 300 xe tăng từ phương Tây để giúp xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga. Gần đây, các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh, Đức đồng loạt tuyên bố sẽ chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Ukraine.

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bị đình trệ kể từ cuối tháng 3 năm ngoái. Nga nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass. Trong khi đó, Ukraine nhiều lần khẳng định xung đột chỉ chấm dứt khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ.

Theo Tass