1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Malaysia xem xét mở cuộc tìm kiếm MH370 sau manh mối 6 giây mới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Malaysia đang cân nhắc đề xuất của công ty Mỹ Ocean Infinity về việc mở lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines dựa trên manh mối 6 giây mà các nhà khoa học Anh công bố thời gian qua.

Malaysia xem xét mở cuộc tìm kiếm MH370 sau manh mối 6 giây mới - 1

Hình ảnh mô phỏng giả thuyết MH370 có thể đã lao xuống Ấn Độ Dương (Ảnh: Nat Geo).

Công ty robot đại dương Ocean Infinity đã đề xuất với Malaysia về việc tiếp tục tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích của Malaysia Airlines.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anthony Loke cho biết Bộ đang xem xét đề xuất này trước khi trình lên nội các.

"Họ (Ocean Infinity) có tàu lặn dưới nước để tìm kiếm và phát hiện vị trí của máy bay. Chúng tôi thực sự đã thảo luận với Ocean Infinity và họ đã đề xuất tiếp tục tìm kiếm phi cơ mất tích", ông Loke phát biểu.

Cách đây hơn 10 năm, MH370 đã mất tích từ ngày 8/3/2014 khi chở theo 239 người. Hàng loạt cuộc tìm kiếm được thực hiện, hàng loạt giả thuyết được đưa ra nhưng tới nay, số phận của MH370 vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải, biến nó trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới.

Hồi đầu tuần, Telegraph đưa tin, các nhà nghiên cứu từ đại học Cardiff, Anh đã phân tích dữ liệu từ micro dưới nước và thu được tín hiệu 6 giây được ghi lại vào khoảng thời gian máy bay MH370 được cho là đã lao xuống Ấn Độ Dương sau khi hết nhiên liệu.

Nghiên cứu đã xem xét một số yếu tố như ảnh hưởng của biển động vào thời điểm đó và làm thế nào một sự cố như vậy liên quan đến máy bay Boeing 777-200 lại có khả năng tạo ra âm thanh truyền qua nước đến micro dưới đáy biển.

Theo các nhà khoa học Anh, nếu như chiếc máy bay nặng 200 tấn rơi ở tốc độ 200m/s thì nó chắc chắn sẽ giải phóng động năng tương đương với một trận động đất nhỏ. Động năng này đủ lớn để micro dưới nước cách xa hàng nghìn km có thể ghi lại được.

Có 2 trạm thủy âm có khả năng phát hiện tín hiệu như vậy. Một là ở Cape Leeuwin ở Tây Australia và thứ hai là ở lãnh thổ Diego Garcia của Anh ở Ấn Độ Dương.

Các trạm thủy âm này được thành lập như một phần của cơ chế giám sát Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Cả hai địa điểm đều hoạt động vào khoảng thời gian MH370 được cho là đã rơi xuống Ấn Độ Dương.

Các trạm thủy âm trước đây đã phát hiện các tín hiệu áp suất đặc biệt từ các vụ tai nạn máy bay, cũng như các trận động đất có quy mô khác nhau ở khoảng cách gần 5.000km.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm nhà khoa học của Đại học Cardiff đã xác định được một tín hiệu trùng khớp với khung thời gian khi máy bay có thể đã lao xuống biển vào ngày 8/3/2014. Tín hiệu này thu được ở trạm Cape Leeuwin. 

Manh mối này làm dấy lên hy vọng rằng việc ứng dụng công nghệ thủy âm có thể giúp phát hiện ra chiếc máy bay mất tích.

Sau khi MH370 mất tích, việc tìm kiếm máy bay dưới đáy biển ở Ấn Độ Dương trải rộng trên diện tích 120.000km2 và tiêu tốn khoảng 128 triệu USD. Hoạt động tìm kiếm đã bị tạm dừng vào tháng 1/2017.

Năm 2018, Ocean Infinity bắt đầu cuộc tìm kiếm "không tìm thấy, không tính phí" kéo dài 3 tháng trên phạm vi khoảng 112.000 km2 phía nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, hoạt động này đã khép lại mà không có thêm thứ gì được tìm thấy.

Theo New Straits Times