1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ muốn đối phó đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ được cho muốn hợp tác với các nước ở khu vực Mỹ Latinh nhằm tạo thành một lực lượng đối phó đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp tại đây.

Mỹ muốn đối phó đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc  - 1

Đội tàu cá Trung Quốc (Ảnh minh họa: Tasnim).

Axios ngày 23/3 dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ đưa tin, Washington lo ngại về việc Trung Quốc "có ngành đánh bắt thủy sản bất hợp pháp lớn nhất thế giới". Báo cáo cho rằng các đội tàu cá dường như giúp Bắc Kinh thiết lập vị thế trên toàn cầu.

Mỹ được cho đã và đang kêu gọi các nước Nam Mỹ hợp tác lập thành liên minh nhằm đối phó với các hành vi nói trên của Trung Quốc.

Axios cho biết, các đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc đã tích cực đánh bắt cá ở vùng biển Mỹ Latinh, bao gồm khu vực gần quần đảo Galapagos. Washington nhận định, điều đó tác động tới chuỗi cung ứng thực phẩm thông qua hoạt động đánh bắt trái phép, không khai báo, không kiểm soát.

Văn bản mà Axios đề cập được dán nhãn "nhạy cảm", nhưng chưa đến mức độ tài liệu mật, do Bộ An ninh Nội địa Mỹ soạn thảo. Tài liệu tiết lộ rằng, nhiều cơ quan vẫn đang hợp tác trong chương trình nói trên, bao gồm Văn phòng Tình báo Hải quân, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan khác.

Báo cáo nhận định rằng việc đánh bắt trái phép của Trung Quốc ở Nam Mỹ cũng có thể "gây ra thiệt hại kinh tế cho ngành đánh bắt nội địa của Mỹ vì chiến lược phi cạnh tranh". Văn bản này đánh giá các quốc gia Nam Mỹ, khu vực được xem là "sân sau" của Mỹ, có thể ủng hộ sáng kiến của Washington.

Hồi cuối năm ngoái, 4 nước Nam Mỹ Chile, Colombia, Ecuador và Peru tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp để "ngăn chặn, cản trở và cùng nhau đối phó" với hoạt động đánh bắt bất hợp pháp gần vùng đặc quyền kinh tế của các nước này tại Thái Bình Dương.

Theo Tabitha Mallory, giám đốc điều hành của công ty tư vấn China Ocean Institute, Trung Quốc dường như coi các vùng biển quốc tế "như một cách để thể hiện sự hiện diện trên toàn thế giới" nhằm tác động đến các khuôn khổ pháp lý toàn cầu. Bắc Kinh được cho đã đặt mục tiêu "hiện diện trên khắp các đại dương trên thế giới" để tác động đến kết quả của các thỏa thuận quốc tế.