1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đội tàu cá Trung Quốc khổng lồ càn quét vùng biển giàu tài nguyên

Thành Đạt

(Dân trí) - Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc đã huy động tàu chở dầu để hỗ trợ hoạt động đánh bắt hải sản tại vùng biển giàu tài nguyên ngoài khơi Ecuador.

Đội tàu cá Trung Quốc khổng lồ càn quét vùng biển giàu tài nguyên - 1

Tàu hải quân Ecuador bao vây một tàu cá ở Thái Bình Dương hồi tháng 8. (Ảnh: Reuters)

Ở phía nam đảo Marchena thuộc quần đảo Galapagos, có một khu vực được người dân địa phương gọi là “ngư trường”. Vùng biển mát mẻ ở Thái Bình Dương này là nơi trú ngụ của nhiều loài cá và tôm hùm.

Gần đây, một mạng lưới không chính thức gồm các tàu du lịch và tàu cá địa phương đã vào cuộc để bảo vệ vùng biển, bằng cách để mắt tới những đối tượng có ý định gây tổn hại cho khu vực này. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến “hạm đội” giám sát bị gián đoạn hoạt động, tạo cơ hội cho những đối tượng bên ngoài tiếp cận vùng biển.

Vào đầu mùa hè năm nay, hơn 300 tàu cá Trung Quốc, trong đó nhiều tàu được thiết kế để đánh bắt 1.000 tấn cá, đã chờ sẵn ngoài rìa khu bảo tồn biển Galapagos, sẵn sàng đánh bắt các loài sinh vật biển khi chúng di cư về phía nam đến vùng biển ngoài khơi Peru và Chile.

Theo AP, ước tính “hạm đội” đánh bắt xa bờ của Trung Quốc có tới 17.000 tàu tham gia vào các vụ tranh chấp đánh bắt ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi, Argentina và Nhật Bản trong những năm gần đây. Hiện tại, “hạm đội” khổng lồ này làm dấy lên làn sóng giận dữ tương tự ở ngoài khơi Ecuador và Peru - hai nước phụ thuộc đáng kể vào các nguồn cá đánh bắt gần bờ.

"Đây là một cuộc tấn công nhằm vào nguồn tài nguyên của chúng tôi. Họ (tàu cá Trung Quốc) đang giết chết các loài sinh vật mà chúng tôi bảo vệ, đồng thời làm ô nhiễm hệ sinh thái của chúng tôi bằng rác thải nhựa mà họ thải ra. Họ đang cưỡng bức Galapagos", Angel Yanez Vinueza, người đứng đầu khu vực Santa Cruz ở Galapagos, cho biết.

Fernando Ortiz, cựu giám đốc khu vực của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, đã nhận ra một thực tế đáng buồn khi đi bộ dọc rìa đá của đảo Mosqueta ở Galapagos: hàng loạt chai nhựa, giầy dép và bao bì thiết bị với nhãn dán mang ký tự Trung Quốc, nằm rải rác.

Đội tàu cá Trung Quốc khổng lồ càn quét vùng biển giàu tài nguyên - 2

Fernando Ortiz nhặt chai lọ gắn nhãn tiếng Trung Quốc ở bãi đá của đảo Mosqueta ở Galapagos (Ảnh: TNS)

"Chúng được thải ra từ các tàu (Trung Quốc)", Ortiz nói, chỉ tay về phía các tàu cá Trung Quốc đang tập trung ở khoảng cách gần 200 hải lý. Ortiz cho biết những vật dụng thu được "vẫn còn mới", nhãn hiệu của chúng chưa bị mặt trời hay nước biển làm mờ.

Hồi tháng 7, hải quân Ecuador đã được báo động về sự xuất hiện của “hạm đội” tàu cá Trung Quốc ở khu vực 321 km xung quanh khu bảo tồn - nơi cấm hoạt động đánh bắt thương mại.

Theo Boris Worm, nhà nghiên cứu về nghề cá tại Đại học Dalhousie, Canada, trong nhiều năm qua, các đội tàu cá đã giăng lưới quanh khu vực này nhằm thu hoạch thành quả từ khu bảo tồn, nơi có nguồn cá ngày càng phong phú và khỏe mạnh.

"Hạm đội" khổng lồ

Từ mùa hè năm ngoái, số lượng tàu cá Trung Quốc bùng nổ trong khu vực. Vào cuối tháng 8 năm nay, một tàu tuần duyên của Cảnh sát biển Mỹ đã được huy động để hỗ trợ hải quân Ecuador tuần tra khu vực.

Thuyền trưởng Brian Anderson, sĩ quan chỉ huy trên tàu tuần duyên Bertholf của Mỹ, cho biết người Trung Quốc mang theo cả tàu chở dầu đến vùng biển này để cung cấp nhiên liệu cho các tàu khác. Họ cũng mang theo các tàu chế biến nhằm cho phép các tàu cá trút hải sản thu hoạch được vào các tàu này, sau đó tiếp tục ra khơi và đánh bắt nhiều hơn.

"Nó giống như một thành phố," ông Anderson nói, nhấn mạnh rằng đội tàu Trung Quốc có tất cả phương tiện cần thiết để duy trì hoạt động suốt nhiều tháng trên biển mà không cần trở về cảng.

Trung Quốc là nước đứng thấp nhất thế giới trên bảng xếp hạng theo thang chỉ số đánh bắt của IUU năm 2019. Đội tàu Trung Quốc thường đánh bắt trong lãnh hải của các quốc gia có thu nhập thấp, làm cạn kiệt nguồn cá trong vùng biển nội địa của các nước này.

Theo ông Andersen, một số tàu Trung Quốc đã tắt định vị điện tử, thậm chí có tàu thông báo vị trí ở Alaska, Mỹ. Chuẩn đô đốc Darwin Jarrin, tư lệnh hải quân Ecuador, hồi tháng 8 cho biết trong số khoảng hơn 300 tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Galapagos, hơn 140 tàu đã tắt hệ thống liên lạc trong những tháng gần đây. Ông Jarrin cũng nói rằng một số tàu đã đổi tên để tránh bị theo dõi hoạt động.

Một thuyền trưởng Ecuador từng tiết lộ tàu cá Trung Quốc có tới 500 dây câu, mỗi dây có hàng nghìn móc câu. Giới chuyên gia cho biế tàu Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật “tận diệt” để bắt những loài cá lớn như cá ngừ, cá mập, cá đuối, rùa và các loài động vật có vú trên biển khác.

Đội tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc thường xuyên dính líu đến các hoạt động khai thác quá mức, nhắm vào các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng, xâm phạm quyền tài phán trên biển, sử dụng giấy tờ đánh bắt và cấp phép giả, cưỡng ép lao động trên tàu.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố nước này "không nhân nhượng" đối với hoạt động đánh bắt phi pháp. Trong thông cáo ngày 23/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador khẳng định Bắc Kinh tôn trọng các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển của Ecuador.

Năm 2017, một tàu cá Trung Quốc bị chặn ngoài khơi Galapagos sau khi bị phát hiện đánh bắt 300 tấn cá, trong đó có hàng chục nghìn con cá mập bị đánh bắt trái phép. 

Ông Vinueza cảnh báo sự hiện diện liên tục của đội tàu Trung Quốc đã gây tổn hại cho khu bảo tồn cũng như kế sinh nhai của người dân bản địa, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế địa phương đang gặp khó khăn.

 Hồi tháng 8, hàng trăm người dân ở Santa Cruz đã xuống đường phản đối đội tàu cá Trung Quốc. Họ lo ngại việc đánh bắt của đội tàu Trung Quốc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên, và có thể khiến du khách có thêm lý do để không quay trở lại nơi này.

Ngày 24/9, một chuyến bay thương mại từ Guayaquil tới đảo Baltra chỉ có 9 hành khách, mặc dù hãng Avianca Airlines đã giảm số chuyến bay hàng ngày xuống còn 2-3 chuyến/tuần.

Việc thiếu vắng du khách rõ ràng đã gây tổn hại nghiêm trọng tới các hoạt động kinh doanh vốn phụ thuộc vào ngành du lịch ở Galapagos. Ngoài ra, những ngư dân và nông dân hỗ trợ cho ngành này cũng bị ảnh hưởng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm