1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mong muốn bàn giao các máy bay huấn luyện cho Việt Nam

(Dân trí) - Mỹ mong chờ bàn giao cho Việt Nam các máy bay huấn luyện và 1 tàu tuần tra lớp Hamilton thứ 2, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink cho biết tại một hội thảo nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ.

Mỹ mong muốn bàn giao các máy bay huấn luyện cho Việt Nam - 1

Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời tại hội thảo 

Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink đã cho biết thông tin trên trong cuộc hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 25 năm phát triển và hợp tác" do Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 1/7 nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ (1995-2020).

Nhà ngoại giao Mỹ cho hay, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh sẽ tiếp tục là một nội dung trong mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Ông Kritenbrink nói, Mỹ mong đợi hoàn thành thỏa thuận chia sẻ thông tin tình nguyện và bổ sung biên bản ghi nhớ trong năm nay. 

"Mỹ mong chờ ban giao cho Việt Nam các máy bay huấn luyện T-6 và 1 tàu tuần tra lớp Hamilton thứ 2. Các bước đi này sẽ giúp mở đường cho việc Việt Nam có thể gia tăng mua thiết bị quân sự từ Mỹ", nhà ngoại giao Mỹ cho biết.

Đại sứ Kritenbrink nói, huấn luyện cũng sẽ mở ra một cánh cửa mới cho các lĩnh vực hợp tác quốc phòng khác. Ông vui mừng khi cách đây vài ngày, một học viên đầu tiên của Việt Nam đã lên đường tới Colorado để học tập tại Học viện Không quân Mỹ.

Đại sứ Mỹ cũng cho biết, hợp tác giữa hai nước về các vấn đề an ninh không chỉ giới hạn về quốc phòng, mà các lợi ích an ninh chung của hai nước tiếp tục phát triển, trong đó tại Biển Đông, nơi hai nước ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở.

Ông cho rằng, hai nước phải phối hợp với các nước khác để đảm bảo rằng các nguồn tài nguyên, trong đó có các nguồn năng lượng ở Biển Đông và sông Mekong, được sử dụng một cách công bằng, hợp pháp và bền vững.

“Chúng tôi cũng tin rằng tất cả các nước dù hơn hay nhỏ cần tuân thủ luật pháp, nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ và tất cả các quốc gia đều có quyền phát triển không bị cản trở các nguồn tài nguyên thiên nhiên”, ông nói.

"Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi"

Theo Đại sứ Kritenbrink, đối với cá nhân ông, điều phi thường nhất mà hai nước đã đạt được trong 25 năm qua là từ cựu thù giờ đây hai bên coi nhau là “đối tác” và “bạn bè”. Ông cho rằng điều quan trọng là đánh giá đúng nền tảng của mối quan hệ này và các lợi ích cũng như tầm nhìn mà hai nước cùng chia sẻ.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Kritenbrink một lần nữa nhấn mạnh, Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của Việt Nam, ủng hộ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh và thịnh vượng.

“Mỹ tin rằng chúng tôi cũng có lợi khi ủng hộ sự phát triển của một Việt Nam thành công, vì chúng tôi tin rằng nước Mỹ sẽ mạnh hơn, thịnh vượng hơn nếu có các đồng minh, đối tác và bạn bè mạnh khắp thế giới”, ông nói.

Ca ngợi những người có đóng góp to lớn cho việc xây dựng và vun đắp mối quan hệ giữa hai nước, Đại sứ Mỹ mối quan hệ phi thường mà hai nước đạt được sau 25 năm không phải tự nhiên đến, mà được xây dựng bằng sự nỗ lực, tâm huyết và quyết tâm của rất nhiều người ở cả hai phía. Ông cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ông Kritenbrink cho hay, Mỹ sẽ tiếp tục sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam khắc phục các hậu quả của chiến tranh, tập trung vào các lĩnh vực như tìm kiếm các binh sĩ mất tích, tẩy rửa dioxin, rà phá bom mìn chưa nổ, hỗ trợ nạn nhân da cam và người khuyết tật…

Thương mại - đầu tư là một trụ cột trong quan hệ Việt - Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 tăng lên mức 77 tỷ USD. Đại sứ Kritenbrink cho hay hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ và một trong những thị trường xuất khẩu đang phát triển nhanh nhất của Mỹ trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và các công ty của Mỹ đang đầu tư vào việc tạo ra các việc làm tại các thị trường của hai nước.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, ông đặc biệt vui mừng khi sự hợp tác lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực y tế đã dẫn tới sự hợp tác tuyệt vời trong đại dịch Covid-19. Ông cũng ca ngợi thành tích xuất sắc của Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Nhắc tới một câu nói đại ý rằng trong khó khăn mới biết ai là bạn bè đích thực, nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ rằng ông rất xúc động khi rất nhiều bạn bè và các tổ chức tại Việt Nam đã quyên tặng hàng triệu khẩu trang và bộ đồ bảo hộ y tế để giúp Mỹ chống dịch Covid-19.

Nhìn lại dấu mốc 25 năm qua, Đại sứ Kritenbrink cho rằng đây sẽ là nền tảng để tin tưởng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển những năm tới. “Chúng tôi đầu tư vào thành công của Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”, ông nói.

Cơ hội và thách thức cho tương lai

Tại cuộc trao đổi, các chuyên gia, các học giả Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ các nhận định về sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua, những thách thức và cơ hội của hai nước trong những năm sắp tới.

PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đánh giá sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ 25 năm trước là một tiến trình đầy phức tạp và cả hai nước đã có những bước đi dũng cảm để khép lại quá khứ, xây dựng mối quan hệ đối tác, bình đẳng và hai nước đã đạt được những kết quả xứng đáng.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định rằng, quan hệ Việt - Mỹ được xây dựng trên nền tảng “không bình thường và rất không bình thường”, bởi hai nước đã trải qua 2 thập niên chiến tranh rất khốc liệt và đau thương.

Vượt qua cuộc chiến mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi là “đầy ám ảnh và đau thương”, chỉ trong 1/4 thế kỷ, hai nước đã đưa quan hệ từ cựu thù thành đối tác toàn diện, điều mà cả người trong và ngoài cuộc đều đánh giá là phát triển vượt trên kỳ vọng, ông Phạm Quang Vinh nói.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho rằng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đã tăng với con số ấn tượng, 150 lần so với thời kỳ mới bình thường hóa, và đây là một trong những minh chứng cho thấy quan hệ song phương đã phát triển với tốc độ nhanh trong vòng 25 năm qua.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng quan hệ giữa hai nước có khả năng và có thể phát triển mạnh hơn nữa. Nhận định về cơ hội hợp tác giữa hai nước, ông nói thời điểm hiện nay là lúc hai bên đang cần nhau nhất, vì những lý do khách quan và lợi ích của mỗi bên. “Nếu nắm được điều đó, chúng ta có thể xác định vị thế của mình trong mối quan hệ, từ đó biết được chúng ta cần làm gì” để đưa quan hệ này tiến xa hơn trong tương lai, ông Giang chia sẻ.

Nhận định về chặng đường 25 năm qua, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, cho rằng điểm nổi bật của quan hệ Việt - Mỹ là sự song trùng về lợi ích và chính sự song trùng này đã giúp quan hệ song phương tiến xa. Ngoài ra, ông cũng cho rằng mối quan hệ này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo cấp cao, được minh chứng bằng những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nhất giữa hai nước đều đặn trong nhiều năm qua.

Nhận định về những thách thức và cơ hội của quan hệ Việt - Mỹ trong những năm sắp tới, Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Bùi Thế Giang đều cho rằng, hai nước cần gia tăng lòng tin và hiểu biết ở cả 2 phía, tăng cường thảo luận các ưu tiên chính sách khác biệt của mỗi bên.

TS Nguyễn Tuấn Minh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay - Viện nghiên cứu châu Mỹ, nhấn mạnh tới cơ hội hợp tác giữa hai nước hậu đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thế giới có sự chuyển dịch rất lớn do đại dịch Covid-19, ông Minh đặt ra một loạt các câu hỏi như: Nếu các nước xây dựng các chuỗi cung ứng mới, Việt Nam sẽ ở đâu trong chuỗi cung ứng này?; Việt Nam sẵn sàng đón sự chuyển dịch đầu tư hay chưa?; Doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng không?; Việt Nam có nâng tầm trong khu vực và thế giới hay không?...

Ông Minh cho rằng, để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Mỹ, hai nước có thể xây dựng một khuôn khổ thương mại và đầu tư mới dựa trên Hiệp định Khung về Đầu tư và Thương mại (TIFA). Ông nhận định, năm 2021 là thời điểm phù hợp để phê chuẩn TIFA mở rộng, từ đó có thể tạo đà tiến tới một hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Mỹ.

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng cũng cần quan tâm tới vấn đề thâm hụt thương mại, vốn là một mối quan tâm của chính quyền Mỹ hiện nay. Theo ông, Việt Nam cần tìm các cách để giải bài toán này, như tìm cách thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam để qua đó mua các sản phẩm của Mỹ, trong đó ưu tiên các sản phẩm công nghệ cao, đồng thời phải đổi mới, cải cách ở trong nước để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Mỹ.

Ông Trần Minh Dũng, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, cho rằng quan hệ Việt - Mỹ phát triển vượt bậc trong những năm qua có phần đóng góp không nhỏ từ các quan hệ nhân dân, trong đó có các cựu chiến binh, các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, điều ông lo lắng là thế hệ người Mỹ rất am hiểu và có mối quan hệ khăng khít với Việt Nam từ thời chiến tranh giờ đã lớn tuổi và nhiều người đã lần lượt qua đời. Vì vậy, ông cho rằng, điều rất cần lúc này là cần có những thế hệ người Mỹ trẻ, quan tâm tới Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước đi xa hơn nữa trong tương lai.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm