1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ "mất dấu" vũ khí chuyển cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù liên tục cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng Mỹ lại ít có khả năng theo dõi đường đi của vũ khí này khi vào Ukraine.

Mỹ mất dấu vũ khí chuyển cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine đứng cạnh xe tải chở tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ cung cấp tại sân bay ở Kiev hồi tháng 2 (Ảnh: AFP).

"Chúng tôi có thể giám sát (đường đi của vũ khí cấp cho Ukraine) trong một thời gian ngắn, nhưng khi nó đi vào vùng chiến sự thì khả năng này gần như bằng 0. Giống như thể nó đi vào một hố đen mà bạn không thể nắm bắt được thông tin gì về nó", CNN dẫn một nguồn tin tình báo của Mỹ ngày 19/4 cho biết.

Mỹ là một trong những quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Gần hai tháng qua, Mỹ đã cung cấp các gói viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị hơn 2 tỷ USD. Trong những ngày tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố thêm gói hỗ trợ tương tự gói 800 triệu USD đưa ra tuần trước.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, chuyến hàng đầu tiên trong gói viện trợ quân sự của Mỹ đã đến biên giới Ukraine từ cuối tuần qua. Mỹ đã cử 4 máy bay đến Ukraine và dự kiến máy bay thứ 5 sẽ đến trong thời gian ngắn.

Washington cho rằng, trong ngắn hạn, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là cần thiết nhằm giúp quốc gia Đông Âu này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng, đây có lẽ là đợt cung cấp vũ khí lớn nhất của Mỹ cho một quốc gia đối tác đang có chiến sự.

Tuy nhiên, về lâu dài, cả giới chức Mỹ và các nhà phân tích đều lo ngại nguy cơ một phần vũ khí này có thể rơi vào tay các tổ chức cực đoan mà Washington không mong muốn. Mỹ không có lực lượng quân sự tại Ukraine, cả Mỹ và NATO phần lớn dựa vào các thông tin do chính quyền Ukraine cung cấp, trong khi đó Kiev liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí.

Mỹ và các nước NATO cho biết, họ cấp vũ khí cho Ukraine dựa vào những đề nghị của Kiev như các tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không S-300. Tuần trước, Mỹ cũng đồng ý cấp cho Ukraine các khí tài như trực thăng Mi-17, pháo tự hành, máy bay không người lái.

"Tôi không thể xác định được liệu những vũ khí đó đang ở đâu ở Ukraine hay liệu người Ukraine có đang sử dụng chúng không. Họ không thông báo với chúng tôi. Chúng tôi có thể không bao giờ biết chính xác mức độ sử dụng vũ khí của họ", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, Washington không đánh dấu vũ khí nào gửi cho đơn vị cụ thể nào của Ukraine. Các xe tải chở vũ khí Mỹ sẽ được quân nhân Ukraine tiếp nhận ở khu vực gần biên giới của họ, thông thường ở Ba Lan, sau đó đưa vào Ukraine. "Khi đó, người Ukraine toàn quyền quyết định vận chuyển số vũ khí đó đến đâu và phân bổ như thế nào", ông Kirby nói.

Mỹ vẫn có một số công cụ hạn chế để giám sát ngoài việc phụ thuộc vào nguồn tin một chiều từ Ukraine như ảnh chụp vệ tinh. Hơn nữa, Washington coi những thông tin từ Ukraine về cơ bản đáng tin cậy bởi Mỹ đã huấn luyện và trang bị quân đội Ukraine suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có những "điểm mù" thông tin.

Jordan Cohen, một chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu CATO, cảnh báo mối nguy lớn nhất của việc ồ ạt cấp vũ khí vào Ukraine là có thể khiến xung đột kéo dài hoặc vũ khí rơi vào tay các nhóm cực đoan hay các lực lượng thù địch của Mỹ.

Theo Guardian, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine