1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lộ kế hoạch tuần tra tại Biển Đông năm 2016

Ngày 16/2, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 cho biết 21 chiến hạm sẽ được tăng cường cho các đơn vị đang hoạt động tại Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Phó Đô đốc Joseph Aucoin còn tỏ ra quan ngại về "khả năng tác chiến chuyên nghiệp" của các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, cho rằng cần phải có biện pháp để các tàu của Trung Quốc tuân thủ Quy tắc ứng xử tránh đụng độ bất ngờ trên biển (CUES). Đồng thời yêu cầu Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tăng cường phối hợp tuần tra với các đơn vị Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương để đối phó với việc Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các tàu bảo vệ bờ biển của nước này tại các vùng biển trong khu vực.

Ngay trước khi kế hoạch trang bị này được tiết lộ, cơ quan báo chí của Hạm đội 7 cũng ra thông báo rằng, năm 2016 lực lượng này sẽ tăng cường số lần tuần tra Biển Đông so với năm 2015 bằng cả máy bay và tàu chiến.

"Chúng tôi cần phải nhắc lại rằng hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải từ thời Tổng thống Jimmy Carter còn đương nhiệm", Craig Allen, một giáo sư về vấn đề hàng hải và môi trường biển tại Đại học luật Washington nói. "Nếu bạn cứ mặc nhận yêu sách của người khác, bạn có thể đánh mất quyền của mình".

Khu trục hạm USS Curtis Wilbur tuần tra Biển Đông hồi tháng 1/2016.
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur tuần tra Biển Đông hồi tháng 1/2016.

Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, vốn thường xuyên tuần tra trên Biển Đông và các quốc gia khác bao gồm cả Nhật, đang xem xét tham gia hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải.

Tàu chiến đấu duyên hải Forth Worth, đóng tại Singapore, cũng có thể được giao nhiệm vụ, nhưng các quan chức hải quân nói rằng khả năng này khó xảy ra, vì hải quân có xu hướng điều động tàu chiến ở tuyến đầu như tàu khu trục và tàu tuần dương vào vùng biển tranh chấp.

Vấn đề Biển Đông dự đoán sẽ nóng lên trong năm 2016, vì Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, đã đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc vì yêu sách "đường lưỡi bò".

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Bắc Kinh đang tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hồi tháng 10/2015, khu trục hạm Aegis mang tên USS Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Tiếp sau đó ngày 30/1/2016, Hải quân Mỹ đã điều chiến hạm mạnh nhất của mình là chiếc USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Được biết, những khu trục hạm này đều thuộc lớp Arleigh Burke - lớp chiến hạm mạnh nhất hiện nay của Hải quân Mỹ. Những tàu này được trang bị hệ thống tác chiến Aegis. Tàu có lượng giãn nước khoảng gần 8.000 tấn, tốc độ tối đa có thể đạt 50 km/h.

Về trang bị vũ khí, những tàu này đều có hai hệ thống phóng đứng tên lửa. Hệ thống thứ nhất ở phần trước boong tàu với 32 hộp, hệ thống còn lại gồm 64 hộp nằm phía sau gần khu vực đỗ trực thăng. Trong đó, các hỏa tiễn chống tên lửa giúp tàu sở hữu một lá chắn hữu hiệu khi kết hợp cùng những thiết bị định vị, cảnh báo sớm.

Các hệ thống này có thể phóng đi nhiều loại tên lửa khác nhau như: tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa Harpoon chống tàu chiến, tên lửa RIM-66 chống máy bay, hỏa tiễn chống tên lửa, hỏa tiễn chống tàu ngầm…

Ngoài ra, những tàu này cũng mang theo ngư lôi. Ở phía trước, lớp tàu này được trang bị một pháo cỡ nòng 127 mm. Ngoài ra, chiến hạm lớp Arleigh Burke còn mang theo một hoặc hai hệ thống pháo cận chiến Phalanx CIWS và hai pháo vỡ nòng 20 mm.

Loại chiến hạm này cũng có thể chở theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm Sikorsky SH-60 Seahawk vốn được hải quân Mỹ ưa chuộng. Với số khí tài hùng hậu trên, tàu khu trục lớp Arleigh Burke đủ sức tác chiến xa bờ để tấn công mọi mục tiêu trên biển, trên không lẫn trên mặt đất.

Không chỉ có những chiến hạm lớp Arleigh Burke, hồi cuối năm 2015, hai oanh tạc cơ B-52 của Không quân Mỹ cũng bay gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông, nhưng không đi vào phạm vi 12 hải lý.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Theo Ngọc Hòa

Đất Việt