1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines cân nhắc tuần tra Biển Đông với Mỹ trong năm nay

(Dân trí) - Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 11/2 cho biết các cuộc tuần tra chung giữa hải quân nước này và Mỹ trên Biển Đông có thể được tiến hành ngay trong năm nay.

Ngoại trưởng Del Rosario (Ảnh: PCA)
Ngoại trưởng Del Rosario (Ảnh: PCA)

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Del Rosario đánh giá cao khả năng các quốc gia khác tham gia hoạt động bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Khi được hỏi rằng liệu hoạt động giữa các quốc gia nêu trên có thể diễn ra trong năm nay, Ngoại trưởng Del Rosario đã nói: "Có thể. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào các cuộc thảo luận trong thời gian tới".

Ngoài ra, Ngoại trưởng Del Rosario, người đã thông báo quyết định từ chức vì lý do sức khoẻ tuần qua, cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Mỹ và ASEAN tuần tới sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề như an ninh hàng hải, hội nhập kinh tế, các vấn đề gây lo ngại xuyên lục địa, cũng như cách "để thúc đẩy quan hệ chiến lược với Mỹ như một đối tác đối thoại hiệu quả hơn trong các vấn đề".

Mỹ và Philippines, hai quốc gia đồng minh lâu năm, đã thảo luận về kế hoạch tuần tra chung tại Biển Đông trong một cuộc gặp cấp cao hồi tháng trước tại thủ đô Washington giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

Mặc dù Mỹ tuyên bố không ủng hộ bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông song Washington khẳng định nước này có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải, thương mại, hoà bình và ổn định tại Biển Đông, một trong những vùng biển có tuyến giao thương đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Trong khi đó, Philippines từng nhiều lần nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Thời gian qua, Trung Quốc, quốc gia có những đòi hỏi chủ quyền phi lý tại Biển Đông, thường đưa ra các tuyên bố phản đối bất cứ sự can thiệp của nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ, tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này.

Ngọc Anh

Tổng hợp