1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ có thể tuần tra chung Biển Đông với Mỹ để "dằn mặt" Trung Quốc

(Dân trí) - Ấn Độ đã có các cuộc thảo luận với Mỹ về việc tiến hành các cuộc tuần tra chung mà một quan chức quốc phòng Mỹ nói có thể bao gồm cả Biển Đông, một động thái nhiều khả năng có thể khiến Bắc Kinh nổi giận.


Các tàu chiến tham gia Lễ Duyệt hạm quốc tế tại Vishakapatnam, Ấn Độ (Ảnh: hindustantimes)

Các tàu chiến tham gia Lễ Duyệt hạm quốc tế tại Vishakapatnam, Ấn Độ (Ảnh: hindustantimes)

Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay hai nước đã thảo luận các cuộc tuần tra chung, nói thêm rằng cả hai đều hi vọng có thể thực hiện các cuộc tuần tra trong năm nay.

Các cuộc tuần tra chung có thể diễn ra ở Ấn Độ Dương, nơi Hải quân Ấn Độ đóng vai trò quan trọng, và Biển Đông. Quan chức trên không tiết lộ quy mô của các cuộc tuần tra.

Hiện Trung Quốc chưa có bình luận nào về động thái trên.

Washington muốn các đồng minh khu vực và các quốc gia châu Á khác có lập trường đoàn kết hơn chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, nơi căng thẳng đã gia tăng sau khi Trung Quốc xây dựng 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường quan hệ quân sự trong những năm gần đây, trong đó có việc tiến hành tập trận chung ở Ấn Độ Dương hồi năm ngoái, với sự tham gia của Hải quân Nhật Bản.

Nhưng Hải quân Ấn Độ chưa từng tiến hành các cuộc tuần tra chung với một quốc gia khác. Một phát ngôn viên hải quân cho biết chưa có sự thay đổi nào về chính sách của chính phủ, ngoài việc tham gia nỗ lực quân sự quốc tế của Liên hợp quốc.

Hồi cuối tháng 1, Mỹ đã điều tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Hải quân Mỹ cũng tiến hành cuộc tuần tra hàng hải tương tự hồi tháng 10/2015 gần một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa.

Tăng cường hợp tác hàng hải

Cả Mỹ và Ấn Độ đều không có tuyên bố chủ quyền ở Biên Đông, nhưng hai nước đều tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải và tự do bay tại vùng biển này khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm New Delhi hồi tháng 1/2015.

Ông Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đó cũng nhất trí “các định các lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác hàng hải”.

Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ tiết lộ, vấn đề tuần tra chung đã được đề cập hồi tháng 12 năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar thăm Trung tâm chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii.

“Đó là một cuộc thảo luận mở về khả năng tuần tra chung”, nguồn tin giấu tên tiết lộ.

Ấn Độ có tranh chấp biên giới trên đất liền lâu đời với Trung Quốc và tỏ ra thận trọng, không “chọc giận” người láng giềng mạnh hơn, mà thay vào đó tập trung vào việc xây dựng quan hệ kinh tế.

Nhưng Ấn Độ đã tăng cường sự hiện diện hải quân ra ngoài Ấn Độ Dương, triển khai một tàu tới Biển Đông gần như thường xuyên, một chỉ huy hải quân Ấn Độ cho biết, nói thêm rằng chuyện này không diễn ra vài năm trước.

Quan chức trên nói thêm, quốc gia mà các tàu hải quân Ấn Độ tới thăm nhiều nhất trong khu vực Biển Đông là Việt Nam. Tuy nhiên, ý tưởng về các cuộc tuần tra chung với Mỹ là chuyện lâu dài.

Trước đó, Philippines đã đề nghị Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung ở Biển Đông, điều mà một nhà ngoại giao Mỹ hồi tháng này tiết lộ là có khả năng xảy ra.

An Bình