Chuyên gia phân tích ý đồ của Trung Quốc khi đòi tàu nước ngoài khai báo
(Dân trí) - Việc Trung Quốc áp dụng quy định mới về việc khai báo đối với các tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia.
Trung Quốc đòi tàu nước ngoài khai báo
Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết, theo quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9, các tàu nước ngoài đi vùng "lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc.
Yêu cầu khai báo được áp dụng đối với tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng, các chất độc hại khác và các tàu khác bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc.
Nếu các tàu nước ngoài không khai báo theo quy định, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các luật, quy định, quy tắc và điều khoản liên quan để xử lý.
Theo SCMP, mặc dù các nhà quan sát ngoại giao và pháp lý Trung Quốc nhận định việc thực thi quy định mới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng Yu Mincai, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, bao biện rằng quy định này có thể giúp tăng cường an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
"Các tàu nước ngoài cần phải khai báo trong lãnh hải của chúng tôi trong trường hợp có thể diễn ra các cuộc tập trận quân sự, để chúng tôi có thể yêu cầu họ rời đi nhằm tránh các sự cố ngẫu nhiên, điều này tốt cho cả hai bên", chuyên gia Yu nói.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng quy định mới có thể áp dụng đối với các vùng biển mà Bắc Kinh "tuyên bố chủ quyền" như Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như các đảo, đá. Trong khi đó, Kang Lin, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho biết quy định mới sẽ áp dụng cả với các tàu dân sự được sử dụng cho mục đích quân sự.
Quy định mới không nêu chi tiết các hình phạt đối với việc tàu nước ngoài không tuân thủ, nhưng chuyên gia Kang cho biết cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ xử lý các vi phạm theo luật liên quan, bao gồm luật hải cảnh của Trung Quốc, để ra lệnh cho các tàu nước ngoài rời đi ngay lập tức hoặc sử dụng các biện pháp như trục xuất bắt buộc.
Các chuyên gia quốc tế lên tiếng
Collin Koh, nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ không tuân theo quy định trên của Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, việc đưa ra quy định về khai báo đối với tàu nước ngoài đi vào vùng lãnh hải cũng tương tự việc Trung Quốc tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào năm 2013, khiến nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, phản ứng dữ dội. Với động thái lập ADIZ, Trung Quốc tuyên bố các máy bay nước ngoài, ngay cả khi hoạt động trong không phận quốc tế, nên khai báo thông tin cho các nhà chức trách Trung Quốc
ADIZ liên quan đến việc xác định, định vị và kiểm soát máy bay vì mục đích an ninh, được Mỹ thực thi lần đầu tiên vào năm 1950, nhưng không được quy định bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào và không được coi là không phận của một quốc gia.
"Tôi không rõ luật mới này có hiệu lực thi hành như thế nào. Điều khiến tôi nhớ lại là những gì đã xảy ra sau khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ. Một số bên hoặc một số quốc gia có thể vẫn tìm cách tuân thủ", chuyên gia Koh cho biết.
"Tuy nhiên, những bên chịu hậu quả lớn nhất nhiều khả năng sẽ không tuân thủ, đặc biệt là Mỹ. Mỹ sẽ coi đây là một ví dụ khác cho thấy nỗ lực leo thang của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền tài phán trên biển. Chúng ta có thể dự đoán các cường quốc khác ngoài khu vực cũng sẽ coi nhẹ quy định này", chuyên gia Koh nói thêm.
Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cũng cho rằng việc thực thi quy định mới sẽ là một thách thức.
"Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, và các nước phương Tây như Mỹ và Anh, vốn bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, sẽ không tuân thủ quy định này", chuyên gia Shi nói.
Chuyên gia Kang cho rằng quy định mới sẽ áp dụng với lãnh hải rộng 12 hải lý của Trung Quốc và cả vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông là "lãnh hải", bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và sự phản đối của nhiều quốc gia khác.
Tòa trọng tài thường trực vào năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn phủ nhận phán quyết này.
Trung Quốc hồi tháng 1 cũng thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh nước này phá hủy các công trình do nước ngoài xây dựng ở vùng biển hoặc trên các đảo mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, luật còn cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc lên tàu, khám xét hoặc nổ súng vào các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền.
Theo chuyên gia Collin Koh, quy định mới được đưa ra về việc khai báo đối với các tàu nước ngoài nhằm củng cố lập trường của Trung Quốc về lãnh hải và sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa Bắc Kinh với các bên có tuyên bố chủ quyền khác. Ông Koh cho rằng quy định mới sẽ "liên quan đến việc Bắc Kinh thực thi một luật không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
"Không có cơ sở trong luật hàng hải quốc tế"
Trang Interpreter dẫn lời chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan tại Đại học Indonesia nhận định, quy định mới được Trung Quốc đưa ra một cách vội vàng, mơ hồ và có chủ ý. Chuyên gia Aristyo nhấn mạnh quy định này đi ngược lại với quy định về quyền "qua lại vô hại" trong UNCLOS.
Theo UNCLOS, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không làm tổn hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Các quốc gia ven biển cũng không được cản trở việc đi lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài qua lãnh hải.
Trong bài viết đăng trên Washington Examiner, Tom Rogan, nhà phân tích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Mỹ, cho rằng quy định mới của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật hàng hải quốc tế". Ông Rogan cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn vô lý và việc nhượng bộ quy định mới của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nguyên tắc cơ bản của luật hàng hải quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho Bắc Kinh "bắt nạt tàu thuyền nước ngoài và ép buộc các nước trong khu vực làm theo ý mình".
"Mỹ nên thể hiện rõ quan điểm rằng tất cả các tàu của Mỹ, dù là dân sự hay quân sự, sẽ tiếp tục đi lại tự do qua các vùng biển quốc tế. Washington cũng nên thể hiện rằng bất kỳ lực lượng nào tìm cách hạn chế các hoạt động như vậy đều sẽ bị Mỹ đáp trả", chuyên gia Rogan bình luận.