Mỹ khuyến cáo công dân lập tức rời Ukraine giữa lúc "căng như dây đàn"
(Dân trí) - Đại sứ quán Mỹ tại Kiev hối thúc công dân lập tức rời Ukraine với lý do "tình hình an ninh khó lường" trước nguy cơ Nga "động binh" với Ukraine.
Trong cảnh báo trên trang chủ ngày 26/1, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev nói rằng, tình hình an ninh ở Ukraine "có thể xấu đi nhanh chóng", do đó cơ quan này khuyến cáo công dân Mỹ tại đây nghiêm túc cân nhắc rời Ukraine ngay.
Đầu tuần này, Mỹ đã hối thúc công dân của mình không đến Ukraine và cũng thông báo kế hoạch rút bớt nhân viên ngoại giao cùng người thân của họ khỏi Ukraine. mặc dù Đại sứ quán Mỹ ở Kiev sẽ tiếp tục mở cửa.
Khuyến cáo được đưa ra giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị "động binh" sau khi đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới của nước này. Để chuẩn bị cho kịch bản Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong đó có Anh, đã vận chuyển vũ khí giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng.
Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh như Romania, Bulgaria và Hungary, đang cân nhắc triển khai thêm quân tới sườn phía đông của NATO, gần biên giới Nga. Nếu kế hoạch này được thực thi, mỗi quốc gia sẽ điều khoảng 1.000 quân tới khu vực trên. Hôm 24/1, Mỹ cũng đặt 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai tới Đông Âu hỗ trợ Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO để đối phó khủng hoảng Ukraine nếu cần.
Bất chấp những cảnh báo của phương Tây, Nga khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và việc Moscow điều động lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là hoàn toàn bình thường. Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cũng cho rằng, phương Tây đang phóng đại mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị. Giới chức Ukraine nói rằng, mối đe dọa này đã tồn tại suốt 8 năm qua khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea và mối đe dọa đó không hề gia tăng.
Thông điệp có phần "lạ" này khiến giới phân tích suy đoán về tính toán của Ukraine. Một số người cho rằng đó là cách để chính quyền Kiev giữ ổn định thị trường, ngăn chặn sự hoảng loạn và tránh kích động Moscow. Trong khi đó, một số người nhận định, điều này thể hiện Ukraine chấp nhận một hiện thực không dễ dàng là xung đột với Nga đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Nhận định về nguy cơ Nga "động binh" với Ukraine, ông Keir Giles, chuyên gia về Nga của Viện Chatham ở London, Anh, nói Nga dồn quân đến biên giới với Ukraine chỉ nhằm "nắn gân" phương Tây, buộc họ phải xem xét nghiêm túc những đề xuất mà Moscow đưa ra, trong đó có yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông.
Suốt hai tháng qua, phương Tây luôn mặc định rằng Nga chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Tuy nhiên, thực tế, điều đó vẫn chưa xảy ra và dường như sẽ không xảy ra, ít nhất không theo cách mà hầu hết mọi người hình dung.
Năm ngoái, khi Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine, giới phân tích cho rằng, nguy cơ một chiến dịch quân sự lớn là rất thấp bởi khi đó binh sĩ Nga được triển khai mà không kèm theo các động thái triển khai những trang thiết bị, khí tài cần thiết như đạn dược, nguồn lực y tế và các nguồn lực khác hỗ trợ cho tác chiến.
Lần này, Nga cho thấy tất cả những yếu tố đó và tiếp tục điều binh sĩ về phía tây để gây sức ép. Điều đó khiến phương Tây cho rằng việc triển khai lực lượng không phải chỉ để phô trương bởi vì quy mô triển khai "quá lớn".
Tuy nhiên, phương Tây dường như đã quên mất rằng, điều này đã từng xảy ra. Bằng cách dồn lực lượng đến biên giới với Ukraine, Nga từng buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán những gì Moscow muốn. Sau khi cho sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Nga gây bất ngờ với việc đưa một lượng lớn binh sĩ đến biên giới với Ukraine. Nhiệm vụ chính của lực lượng này trong phần lớn năm 2015 chỉ là "án binh bất động" ở khu vực biên giới để thu hút sự chú ý và gây sức ép với phương Tây.